Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.HCM; ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và lãnh đạo UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước; cùng đại diện các sở, ngành của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Mở đầu hội nghị, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai, thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An quý III năm 2023.
Theo ông Cường, kế hoạch số 4218/KH-UBND về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ, tổng cộng có 12 nội dung phối hợp cấp vùng. Đến hết quý III/2023, đã thực hiện được 7/10 nội dung, còn lại 5/10 nội dung tiếp tục thực hiện trong quý IV/2023 và năm tới.
Đối với nội dung phối hợp song phương, có tổng cộng có 39 nội dung giữa Tp.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2023. Đến hết quý III/2023, đã và đang thực hiện các nội dung trên.
Ông Cường cho biết thêm, các nội dung ưu tiên, tập trung triển khai trong thời gian tới là tiếp tục triển khai những nội dung hợp tác theo kế hoạch số 4218/KH-UBND về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ; phối hợp triển khai các dự án đường Vành đai 4; phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần đường Vành đai 3; Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Tăng cường kết nối giao thông đường thủy; Tiếp tục phối hợp trong các lĩnh vực y tế; quy hoạch; thương mại - du lịch; nông nghiệp; môi trường; giáo dục đào tạo...
Tại hội nghị, đại diện các sở ngành của các địa phương trong vùng đã tập trung trao đổi, trình bày những khó khăn riêng và chung trong vùng trên tất cả lĩnh vực hợp tác như: giao thông, du lịch, y tế. Qua đó đề xuất những giải pháp, tháo gỡ khó khăn chung.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.HCM nêu rõ những vấn đề các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần thống nhất để triển khai thực hiện trong tương lai.
Cụ thể, các địa phương sẽ cùng tăng tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; cùng nhau đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Vành đai 3, cũng như đảm bảo tiến độ về triển khai dự án đường Vành đai 4 TPHCM; tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Trong đó, các địa phương sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách tham gia dự án cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 (hỗ trợ các địa phương vùng Đông Nam Bộ 50% vốn; Long An từ 80-90% vốn) trong bối cảnh thiếu hụt do đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, chưa cân đối được nguồn vốn dự kiến khoảng 106,89 ngàn tỷ đồng cho 5 dự án thành phần.
Gio Linh