Số lượng doanh nghiệp đông nhưng nguồn lực còn yếu
Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt” sáng 19/9, TS.Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế chia sẻ, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, còn khoảng 4-5 triêu hộ kinh doanh cùng với cá nhân kinh doanh như ở sàn thương mại điện tử (TMĐT). Có thể nói, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò vô cùng to lớn với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là lực lượng tư nhân.
Theo như đánh giá của Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam từ 2018-2019 đến nay đã tăng gấp đôi, từ dưới 250 tỷ USD lên đến gần 500 tỷ USD. Đặc biệt, trong giá trị thương hiệu Việt có không ít doanh nghiệp lớn đến từ tư nhân. Trong năm vừa qua, tất cả các doanh nghiệp trong top 10 có tốc độ tăng giá trị thương hiệu nhanh nhất đều là doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, ông Thành đánh giá trong những năm gần đây, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia những công trình đòi hỏi khả năng làm chủ công nghệ cao, quản trị như: sân bay, hầm ngầm…
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đang chuyển dần nguồn lực sang những lĩnh vực gắn liền với xu thế phát triển như chế biến, chế tạo… là điểm tựa tốt hơn cho sự phát triển lâu bền, tăng tính cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đặc biệt là khu vực tư nhân không chỉ cần số lượng mà còn phải chú trọng đến chất lượng. Hiện tại số lượng đông nhưng nguồn lực còn yếu.
“Cái chúng ta mong muốn nhất trong đổi mới mô hình tăng trưởng là để tăng năng suất, tăng chất lượng và gắn với đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Song khả năng bắt nhịp, khả năng nhận thức của doanh nghiệp so với xu thế phát triển trên toàn cầu còn rất hạn chế”, ông Thành nhấn mạnh.
Tồn tại nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định
Gần đây nhất, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có thể xem là kim chỉ nam, là định hướng xuyên suốt của Đảng đối với một bộ phận nhân lực, tiềm lực quan trọng trong phát triển và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Nói về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Hiện tại, mục tiêu chúng ta hướng tới không chỉ tháo bỏ rào cản, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh mà còn là giảm rủi ro, tăng tính tính an toàn, thúc đẩy sự phát triển về chất lượng và động viên về cả mặt tinh thần, vật chất”.
Chia sẻ về về những chính sách, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, luật sư Lê Anh Văn - Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực cho rằng: “Những chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng và các thủ tục hành chính… còn tồn tại những trở ngại do chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định khi thực hiện”.
Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn với các cấp chính quyền thực thi, đó là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, né tránh đùn đẩy… Như vậy, cần sự nhiệt tâm, nhiệt thành của các cán bộ công chức. Thậm chí là thành lập đoàn để thực địa kiểm tra và tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn đang tương đối dàn trải, theo bề rộng. Nếu muốn đạt được mục tiêu như Nghị quyết 41 đề ra, phải có những hỗ trợ mang tính bề sâu, dựa trên những thế mạnh, cốt lõi của đất nước, dân tộc.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tiếp vận Hòa Phát nhận định những thủ tục trong quy định luật pháp đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp: “Khách hàng của tôi có dự án đầu tư ở một tỉnh, họ muốn làm thủ tục tăng vốn đầu tư từ mức 3 triệu USD lên 8 triệu USD thì phải mất 3 tháng mới xong, trong khi theo quy định chỉ cần 15 ngày”.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Kiên cho rằng doanh nghiệp chưa nhận được sự tận tâm, đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp chỉ cần cơ quan chức năng làm đúng nhưng cần hướng dẫn cặn kẽ, nhiệt tình. Đồng thời, các thể chế, chính sách quy định cần phải bám kịp với thị trường.
Đồng thời, ngoài việc chính sách “thổi bùng lên ngọn lửa” về quản lý, về cải thiện môi trường thì doanh nghiệp phải có khát vọng làm việc, khát vọng chinh phục và mang lại giá trị cho xã hội ngoài câu chuyện lợi nhuận.
“Các doanh nghiệp cần phải “tự cứu lấy chính mình” bằng cách nâng cao nguồn chất lượng nhân lực, nắm bắt những tiến bộ của cách mạng công nghệ. Nâng cao năng lực quản trị, sản xuất để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh khốc liệt của thị trường” - ông Lê Anh Văn nhận định.
Thanh Loan