Sau năm 2023 dành được thắng lợi khi báo lãi kỷ lục, tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ; các doanh nghiệp ngành dược đã mạnh tay chi trả cổ tức cho các cổ đông và không ngần ngại nâng tỉ lệ chi trả so với kế hoạch ban đầu.
Cổ đông nhận "cơn mưa" tiền mặt
Đơn cử như công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) vừa thông báo chi trả cổ tức năm 2023 với tổng tỉ lệ 75% bằng tiền mặt.
Đợt 1, Dược Hậu Giang sẽ chia cổ tức tỉ lệ 40% (mỗi cổ phần cổ đông sẽ được nhận 4.000 đồng). Ngày thanh toán là 26/6, ngày đăng ký cuối cùng là 12/6. Tỉ lệ 35% còn lại công ty sẽ chia vào đợt 2, cổ đông sẽ nhận được 3.500 đồng với mỗi cổ phần sở hữu. Ngày đăng ký cuối cùng là 9/8, ngày thanh toán là 21/8.
Đây là tỷ lệ chia cổ tức lớn nhất của DHG từ khi yêm yết đến nay. Trong 6 năm trở lại đây, ông lớn ngành dược này đều chia cổ tức bình quân mỗi năm trên 30% bằng tiền mặt.
Trước đó, công ty đề xuất trả cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 35%. Việc nâng tỉ lệ chi trả cổ tức này diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Dược Hậu Giang lập kỷ lục trong năm 2023 và là năm đầu tiên công ty chạm mốc lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng kể từ khi lên sàn.
Kết thúc năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần 5.015 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.051 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 7% và 6% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty dành tới hơn 93% lợi nhuận năm 2023 để trả cổ tức cho cổ đông.
Đại gia Đông dược CTCP Traphaco (HoSE:TRA) cũng chi trả cổ tức năm 2023 tổng tỉ lệ 40% (mỗi cổ phần cổ đông sẽ được nhận 4.000 đồng), cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 30%.
Vào tháng 6/2023, Traphaco đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỉ lệ 20% bằng tiền mặt. 20% cổ tức còn lại công ty sẽ chi trả vào đợt 2. Ngày chốt danh sách cổ đông vào 18/6. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến vào ngày 4/7. Với hơn 41,45 triệu cổ phiếu lưu hành, tổng giá trị chi trả của Traphaco cho 2 đợt cổ tức này là 165,8 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021 và 2022 Traphaco cũng chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt tổng tỉ lệ 30% và đều được thanh toán làm hai đợt.
Mặc dù chia cổ tức cao hơn dự kiến nhưng kết quả kinh doanh năm 2023 của Traphaco lại không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 2.300 tỷ đồng, giảm 4,5% so với năm trước và hoàn thành 90% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 285 tỷ đồng, giảm 2,5% so với năm trước và hoàn thành 87,42% kế hoạch.
Không nằm ngoài cuộc đua chi trả cổ tức cao của ngành dược, CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (HNX: PMC) cũng chi trả cổ tức năm 2023 lên tới 65% qua ba đợt bằng tiền mặt. Trong năm 2023, công ty đã 2 lần chi tạm ứng cổ tức cho cổ đông, lần 1 chi trả vào ngày 29/9/2023 với tỉ lệ 10% và lần 2 chi trả vào ngày 1/4/2024 với tỉ lệ 14%.
Ngày 17/6 sắp tới công ty cũng chi trả 41% cổ tức còn lại. Với hơn 9,33 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Pharmedic sẽ chi khoảng 38,2 tỷ đồng trả cổ tức đợt 3 cho cổ đông.
Thời điểm tháng 11 và tháng 12/2023, Pharmedic cũng có 2 đợt chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ lên tới 126%. Trong đó đợt 1 chi trả vào ngày 24/11, tỉ lệ 80%, đợt 2 chi trả ngày 22/12 tỉ lệ 46%.
Đáng chú ý, phần cổ tức này không bao gồm cổ tức được chia từ lợi nhuận sau thuế của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.
Việc chia cổ tức với tỉ lệ tăng vọt này là do công ty đã hoàn nhập gần 117,6 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Do đó, HĐQT Pharmedic ngày 26/10 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỉ lệ 126%/cổ phần từ nguồn lợi nhuận hoàn nhập này, với số tiền chi trả đúng bằng số tiền đã hoàn nhập.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, Dược Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) cũng đều đặn chi trả cổ tức từ 15 - 30%. Trong đó năm 2020, công ty trả cổ tức 15% bằng tiền mặt; sang năm 2021, công ty trả cổ tức tỉ lệ 25% (gồm 15% tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu); năm 2022, DBD trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu và năm 2023 trả cổ tức 30% bằng tiền mặt.
Kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính
Về triển vọng trong thời gian tới, IQVIA dự báo, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được sẽ tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2027.
Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024.
Ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên.
Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỉ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Trong môi trường chính sách thuận lợi, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024.
Mặt khác, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.