Các đối thủ ồ ạt "tuyển quân"
Việc nhập tịch là xu hướng không còn quá xa lạ đối với các ĐTQG trên thế giới nữa. Nguồn cầu thủ nhập tịch ít nhiều đã đem lại những lợi ích không nhỏ khi họ giúp các đội bóng trở nên mạnh mẽ hơn, nguy hiểm hơn khi phải thi đấu ở mọi đấu trường.
Khu vực Đông Nam Á của chúng ta cũng không ngoại lệ khi những Đông Timor, Philippines, Thái Lan hay thậm chí cả Việt Nam đều có những cầu thủ nhập tịch. Công bằng mà nói, cầu thủ nhập tịch đã đóng góp khá nhiều vào lối chơi và kết quả của các đội bóng tại "vùng trũng của bóng đá Thế giới" rất nhiều.
Bởi lẽ, các đội bóng đến từ Đông Nam Á luôn thua thiệt về thể hình, thể lực, tốc độ hay khả năng tranh chấp tại những đấu trường lớn như Asian Cup hay vòng loại World Cup. Vậy nên, trước xu thế này, một số đội bóng nằm cùng bảng G với chúng ta là Malaysia và UAE đã tăng cường thêm nhiều cầu thủ nhập tịch chất lượng.
Điều đáng nói là hai đội bóng nhập tịch ồ ạt nhất lại chính là những đối thủ khó chơi mà thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối mặt ở lượt về vòng loại World Cup 2022. Đội bóng đầu tiên chúng ta sẽ chạm trán trong năm 2020 chính là ĐTQG Malaysia vào cuối tháng 3 tới đây.
Đội bóng này đã nhập tịch thành công tiền vệ Liridon Krasnniqi và đang gấp rút hoàn tất những thủ tục cuối cùng để hai cầu thủ Lee Tuck (người Brazil) và De Paula (người Anh) được thi đấu cho ĐTQG. Như vậy, với nguồn cầu thủ nhập tịch dồi dào cùng quyết tâm đánh bại Việt Nam, nhiều khả năng "những chú hổ Mã Lai" sẽ thi đấu với 7 cầu thủ nhập tịch trong đội hình ở trận đại chiến với "những chiến binh sao vàng".
Còn ĐTQG UAE dù không quá rầm rộ như "những chú hổ Mã Lai" nhưng vừa qua, đội bóng này cũng đã kịp bổ sung vào đội hình 2 gương mặt triển vọng là Tagliabue (gốc Argentina) và Fabio de Lima (gốc Brazil). Bởi vậy, hai trận đấu sắp tới tại vòng loại World Cup 2022 được dự báo sẽ không hề dễ dàng gì với đoàn quân của HLV Park Hang-seo.
Thầy Park có thực sự cần "ngoại binh"?
Trước việc các đối thủ của chúng ta liên tục thực hiện chính sách nhập tịch để tăng cường sức mạnh, NHM Bóng đá Việt Nam cảm thấy khá lo lắng và cho rằng ĐTQG Việt Nam nên triệu tập những cầu thủ nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, việc triệu tập những cầu thủ như vậy có thực sự cần thiết hay không thì đây vẫn là một vấn đề cần phải suy tính. Đầu tiên, trong tay của vị chiến lược gia người Hàn Quốc đang có một thế hệ cầu thủ trẻ, tài năng và đang đạt độ chín của sự nghiệp.
Họ đã gắn bó, ăn tập và thi đấu với nhau trong một khoảng thời gian dài từ các lứa U cho đến ĐTQG. Bởi vậy, sự hiểu ý, kết dính trong lối chơi là điều không phải bàn cãi. Thêm nữa, ở thời điểm hiện tại, các cầu thủ đã quá quen thuộc với chiến thuật mà HLV Park Hang-seo quen thuộc nên dễ dàng để triển khai.
Nếu chúng ta triệu tập những cầu thủ nhập tịch lên tuyển có thể sẽ khiến các đối thủ phải e dè hơn nhưng chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Bởi những cầu thủ này không phải ai cũng hiểu và trao đổi được bằng tiếng Việt, họ cũng phải mất một khoảng thời gian để làm quen và thích nghi kỹ, chiến thuật mà ĐTQG đang áp dụng.
Đó là chưa kể những cầu thủ nước ngoài đang thi đấu ở Việt Nam đủ điều kiện để nhập tịch đều đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp nên sự góp mặt của họ của hẳn đã giúp ích được gì nhiều. Mặt khác, "bóng ma" trong quá khứ mà những cầu thủ nhập tịch được triệu tập lên ĐTQG như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La... vẫn còn đó nên chúng ta vẫn còn đôi chút e ngại trong việc có nên hay không triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển.
Có lẽ, các cầu thủ nhập tịch sẽ có cơ hội lên tuyển nhưng đây là việc ở tương lai xa. Còn hiện tại, ĐTQG Việt Nam đã và đang có những cầu thủ nội giỏi, tài năng cùng một vị HLV chất lượng nên việc triệu tập cầu thủ nhập tịch là chưa cần thiết.