Sáng 9/12, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Ea Kar, huyện M’đrắk và Công ty mía đường 333 tổ chức lễ ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các đơn vị hoạt động vận tải mía trên tuyến Quốc lộ 26.
Theo đó, trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Phòng CSGT, lãnh đạo Công an huyện Ea Kar, M’đrắk và Công ty mía đường 333, hơn 10 doanh nghiệp chuyên vận chuyển mía trên địa bàn đã kí cam kết với các nội dung như: Thường xuyên phổ biến cho lái xe chấp hành đúng quy định của pháp luật về trọng tải phương tiện, không sử dụng rượu, bia, chất ma túy và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, đưa xe tham gia vận chuyển hàng hóa, mía phải còn niên hạn sử dụng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thành thùng xe.
Không tổ chức bốc xếp, vận chuyển mía quá trọng tải, quá kích thước thành thùng theo thiết kế của xe hoặc không phủ bạt theo quy định,…
Việc ký cam kết nói trên nhằm quán triệt, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nói chung và vận chuyển cây mía nói riêng.
Đồng thời, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải mía trong niên vụ 2022-2023.
Mặt khác, thông qua việc ký cam kết cũng nhằm huy động sự vào cuộc, ủng hộ của chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện tốt “Đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”.
Cũng thông qua việc ký cam kết nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa. Qua đó, tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo hướng giải quyết.
Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuyến Quốc lộ 26 là tuyến đường hẹp, nhiều đoạn cong cua phức tạp. Đáng nói, đây là tuyến đường chính để vận chuyển mía nguyên liệu từ các vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk đến các nhà máy mía đường (Công ty cổ phần Mía đường 333 và một số nhà máy tại Khánh Hòa).
Trung tá Ngô Hoài Nam, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu niên vụ 2022-2023, Phòng CSGT đã triển khai phối hợp với Công an các huyện Ea Kar, M’đrắk khảo sát, nắm bắt tình hình các đơn vị, phương tiện chuyên chở nguyên liệu.
Qua đó, nhằm tăng cường lực lượng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải mía vi phạm về tải trọng, kích thước khi tham gia giao thông trên địa bàn.
Trong đó, tập trung tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường trọng yếu, huyết mạch dẫn về các nhà máy để kịp thời xử lý các trường hợp xe chở quá tải trọng, kích thước.
Theo Phó Trưởng phòng CSGT, trước và sau Tết Nguyên đán là mùa cao điểm vận tải mía nguyên liệu đến các nhà máy để sản xuất.
Trước áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tìm mọi cách cơi nới thùng xe để chở hàng nhằm gia tăng lợi nhuận và đối phó với các cơ quan chức năng.
Nhiều trường hợp lợi dụng giờ nghỉ hoặc giao ca của lực lượng CSGT hay chọn cung đường lực lượng chức năng ít xuất hiện để chở hàng quá tải, quá khổ.
Tuy nhiên, với sự ra quân đồng loạt của lực lượng Công an tỉnh, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải đã giảm mạnh. Trong năm 2022, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 155 trường hợp xe ô tô tải chở mía vi phạm với các hành vi chủ yếu như: Chở hàng vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông (52 trường hợp), chở hàng vượt quá chiều cao cho phép đối với ô tô tải (28 trường hợp), xếp hàng hóa làm lệch xe (62 trường hợp), không chằng buộc chắc chắn (5 trường hợp)...
Cũng theo Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, một số chủ phương tiện, lái xe vì lợi nhuận hoặc chịu áp lực phải vận chuyển trong giai đoạn cao điểm để tránh hao hụt, tổn thất sau thu hoạch nên cố ý vi phạm các quy định về tải trọng. Do nhiều lái xe cố tình tránh né lực lượng chức năng nên tuy lực lượng CSGT không ngừng nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn khó có thể kiểm soát hết việc chở mía cồng kềnh, che chắn thiếu an toàn hoặc chở quá tải trọng của một số phương tiện.
Đáng nói, lực lượng tuần tra đi đến đâu đều có thông tin báo cho các phương tiện ngừng hoạt động, cho xe tấp vào các quán nước ven đường, chờ thời điểm giao ca hoặc đi tuần tra tuyến đường khác thì tiếp tục vận chuyển. Điều này gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, để siết chặt tải trọng phương tiện, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hàng hóa.
Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị để tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải.
Trong đó, tiếp tục chú trọng kiểm soát các phương tiện vận tải mía nguyên liệu tại các vùng khai thác và các tuyến đường nối vùng nguyên liệu mía với tuyến Quốc lộ 26.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao điểm xử lý xe chở mía quá khổ quá tải, xe biển nước ngoài chở mía, Thượng tá Hồ Xuân Thí, Phó Trưởng Công an huyện Ea Kar cho biết, Công an huyện sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với lực lượng Phòng CSGT quyết liệt xử lý các phương tiện cố tình vi phạm.
“Lực lượng công an tạo mọi điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp thu hoạch mía đúng thời vụ. Tuy nhiên, kiên quyết xử lý các trường hợp chở quá khổ quá tải, xe biển số nước ngoài hết kiểm định, quá hạn đăng kiểm, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, đảm bảo cho người dân tham gia giao thông an toàn”, Phó Trưởng Công an huyện Ea Kar nhấn mạnh.
Khánh Ngọc