Các đơn vị sản xuất tạo liên minh chống ăn cắp bản quyền

Các đơn vị sản xuất tạo liên minh chống ăn cắp bản quyền

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 4, 12/07/2017 22:09

Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cứng rắn đối với tình trạng ăn cắp bản quyền truyền hình, các đơn vị sản xuất đã hình thành nên những liên minh để tự cứu lấy mình.

Thị trường truyền hình đã hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện cả nước có khoảng 32 doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình vệ tinh và mới nhất là truyền hình Internet - loại hình đang rất phổ biến và bị ăn cắp bản quyền nhiều nhất. Khoảng 13 triệu thuê bao, 78 kênh truyền hình trả tiền trong nước và 50 kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động là phạm vi khá lớn đối với công tác quản lý của Nhà nước.

Theo các cơ quan quản lý, hoạt động vi phạm bản quyền có hai nhóm đối tượng chính, một là các đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp phép có hành vi tự động lấy cắp nội dung chương trình không thuộc sở hữu của mình để làm dịch vụ cung cấp video. Câu chuyện các đài truyền hình sử dụng nội dung mà chưa được cá nhân, tổ chức cho phép đã nhiều lần làm xôn xao dư luận.

Đối tượng thứ 2 phức tạp hơn khi hoạt động chủ yếu trên môi trường Internet. Những trang web cung cấp dịch vụ xem phim hoặc các ứng dụng truyền hình không có giấy phép đang ngang nhiên sử dụng nguồn video lấy cắp để thu lợi nhuận. Việc xử lý vi phạm của đối tượng này gặp khó khăn khi có những trang web, ứng dụng đặt máy chủ tại nước ngoài.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, vừa là nhà phát hành và nhà sản xuất, đạo diễn Hồng Ánh bày tỏ, vấn đề cô quan tâm nhất khi giới thiệu những tác phẩm điện ảnh tới công chúng chính là bảo vệ bản quyền.

“Năm 2014, công ty chúng tôi hỗ trợ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm phát hành bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Lúc đó, hãng phim Xanh là đơn vị phát hành độc lập. Tuy nhiên, ngay sau khi hợp đồng phát hành bộ phim của chúng tôi với nhà sản xuất hoàn thành thì bộ phim đã bị phát tán trên mạng xã hội, thậm chí là nhiều trang web xem phim không có giấy phép hoạt động. Vì sự việc đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi giải trình với nhà sản xuất. Bằng những nỗ lực cá nhân, hãng phim Xanh đã tìm ra địa chỉ máy chủ phát tán bộ phim đặt tại châu Âu", Hồng Ánh chia sẻ.

Phim ảnh - Các đơn vị sản xuất tạo liên minh chống ăn cắp bản quyền

Bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã bị phát tán trên mạng xã hội.

Nhận thấy sự cần thiết của việc cần có một tổ chức để lên tiếng cho quyền sở hữu bản quyền, Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam, gọi tắt là VAC đã được thành lập. Liên minh là tập hợp các nhà sản xuất và cung cấp nội dung của Việt Nam và quốc tế như đài Truyền hình Việt Nam (VTV), công ty BHD, truyền hình K+, hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA), hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), hãng phim 21st Century Fox và ủy ban Bản quyền Hàn Quốc.

Tuy các thành viên chỉ hợp tác cùng nhau trong một số hoạt động như tổ chức hội thảo, trao đổi với ban ngành chính phủ các nước, nhưng trong vòng 18 tháng qua, Liên minh đã thể hiện tiếng nói của mình khá hiệu quả. 

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc công ty BHD cho biết: “Liên minh chúng tôi là tập hợp đại diện cho nhiều nguồn nội dung khác nhau từ Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam,... Chúng tôi đã cùng ngồi lại và nhận thấy, thay vì hoạt động riêng lẻ, chúng tôi có thể bảo vệ bản quyền của mình tốt hơn khi hợp tác cùng nhau”.

Bà Bích Hạnh đã dẫn chứng trường hợp của bộ phim Mặt nạ quân chủ. Theo đó, Mặt nạ quân chủ được BHD Danet mua bản quyền từ Hàn Quốc, nhưng lại bị phát tán lậu và nhờ sự vào cuộc của Liên minh, 50 trong số 80 trang web vi phạm đã gỡ bỏ nội dung. Bà Bích Hạnh cho rằng, đó là dấu hiệu đáng mừng để bảo vệ quyền, lợi ích của các thành viên trong Liên minh và các đơn vị sở hữu bản quyền tại Việt Nam.

Giải pháp từ Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, một cơ quan của Chính phủ được thành lập để bảo vệ bản quyền cho các chủ sở hữu, khi sản phẩm của họ bị phát tán tại các trang web không có tên miền trong nước. Ông Lee Chang Hun – đài phát thanh truyền hình MBC chia sẻ: “Khi các chủ sở hữu bản quyền thông báo, nội dung của họ bị phát tán lậu trên các trang web không có tên miền trong nước đến cơ quan này thì những nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ dùng biện pháp block (chặn) các trang web đó. Và khi có người xem truy cập thì hệ thống sẽ hiện thông báo đây là trang web lậu”.

Hà Nhân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.