Các gói hỗ trợ doanh nghiệp còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới thực tế

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới thực tế

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Chủ nhật, 08/08/2021 13:27

Đánh giá cao các gói hỗ trợ của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, song ông Mạc Quốc Anh cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đối thoại - Các gói hỗ trợ doanh nghiệp còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới thực tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ Hội nghị tập trung vào 8 từ ‘Đánh giá-Giải pháp-Thiết thực - Hiệu quả’. Ngoài các ý kiến được các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương được nêu trong Hội nghị trực tuyến, Chính phủ còn tiếp nhận toàn bộ ý kiến qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội để có giải pháp chính sách phù hợp.

Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh cũng đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm.

Tuy vậy, "dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống", ông Mạc Quốc Anh bày tỏ.

Đối thoại - Các gói hỗ trợ doanh nghiệp còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới thực tế (Hình 2).

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội

Vị này dẫn chứng: Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn về tài khoá, tiền tệ… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020...

Ngoài ra, các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng... cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

“Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Tuy nhiên trong năm qua do tình hình Covid các DN khó có lợi nhuận nên chính sách này chưa đi vào thực tiễn của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội bày tỏ.

Kết quả khảo sát cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, không nhiều DN được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp... Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống. Đa số các DN đánh giá các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. Các gói chính sách về tài khoá phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn.

Vắc-xin - vấn đề quan tâm hàng đầu

Theo kết quả khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trong tháng 6/2021, có 57,10% DN hoạt động cầm chừng; 38,97% DN đang hoạt động bình thường; 2,61% DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể và chỉ có 1,41% DN hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.

Phần lớn các khó khăn là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ắc tách tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch; khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Cùng với những gói giải pháp đã được áp dụng, Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội đưa ra 10 kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, HH nhấn mạnh nhiều đến vấn đề tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các DN hiện nay như: đề nghị lãnh đạo TP cho phép lập tổ vắc-xin doanh nghiệp; tạo nguồn vắc-xin xin tiêm cho cán bộ công nhân viên phục vụ sản xuất, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu; DN cùng chính quyền kêu gọi ủng hộ chương trình vắc xin của UBND TP để mua vắc-xin cho toàn dân Thủ đô.

Đại diện Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho DN những tháng phải ngừng SXKD hai năm qua. Không dám kỳ vọng các gói hỗ trợ lớn như một số nước phát triển, ông Mạc Quốc Anh mong Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, loại bỏ các thủ tục để DN hiểu và làm ngay, nhằm tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất đai mặt bằng sản xuất tạo cơ hội cho DN có điều kiện tăng quy mô sản xuẩt.

Kiến nghị khoanh nợ, giảm lãi suất cho DN

Ngoài ra, đối với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa đề nghị sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cho phép khoanh nợ tới tháng 6/2022 với các khoản nợ đến hạn của DN bị ảnh hưởng bởi dịch mà có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt để DN có thời gian phục hồi.

Ông Mạc Quốc Anh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021 (Thông tư 01/2020 của NHNN quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước ngày 31/12/2020),

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa TP Hà Nội kiến nghị có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.

Ngoài ra, ông Mạc Quốc Anh đề nghị NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp như: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; Mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…

Trong văn bản gửi Hội nghị, bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cũng mong muốn các biện pháp của Chính phủ cần đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn giúp các DN đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tạo ra giá trị cho xã hội cần phải được ưu tiên “sống sót” vượt qua đại dịch này. Chỉ khi các doanh nghiệp “sống sót” duy trì được hoạt động, tạo được sự lưu thông trong huyết mạch của nền kinh tế thì đất nước mới có thể trụ vững và vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Tổng giám đốc MISA cho rằng, giai đoạn khó khăn do Covid-19 cũng là lúc các doanh nghiệp cần chậm lại để tiến hành cải tổ, cải tiến hoạt động SXKD, tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ. Ở góc độ tích cực, dịch bệnh cũng mang đến môi trường và cơ hội để các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc hơn.

"Chưa khi nào hoạt động về chuyển đổi số lại trở nên phù hợp và cấp thiết như lúc này. Đây cũng chính là biện pháp để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi các lãnh đạo, bộ phận điều hành hỗ trợ DN hoạt động có công cụ làm việc từ xa", bà Đinh Thị Thuý nhấn mạnh.

Từ đó, bà Thuý đề xuất đưa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT vào doanh nghiệp thiết yếu, cần được bảo vệ trong dịch bệnh và được ưu tiên duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời được hỗ trợ mạnh mẽ công tác truyền thông tuyên truyền các giải pháp nền tảng số xuất sắc đã được bộ Thông tin & Truyền thông đánh giá lựa chọn trong danh mục giải pháp phục vụ thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.