Mỗi tháng tăng giá một lần
Nhìn giá sữa liên tục tăng, nhiều người vô cùng lo lắng bởi hiện nay sữa là một trong những sản phẩm thiết yếu và không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là với gia đình có trẻ nhỏ. Bà Ngô Thị Hảo ở Long Biên, Hà Nội tâm sự: "Giá sữa tăng liên tục và không biết khi nào là điểm dừng như thế này khiến tôi rất lo. Nhà tôi có cháu nhỏ năm tháng tuổi, cháu dùng hoàn toàn sữa bột công thức vì mẹ cháu mất sữa từ khi cháu mới được một tháng tuổi. Chỉ năm ngày cháu dùng hết một hộp sữa 900g.
Lúc trước cháu dùng sữa ngoại giá 550.000 đồng/hộp. Được một thời gian, cha mẹ không thể cho con dùng sữa này nữa vì điều kiện kinh tế không đủ đáp ứng. Cháu chuyển sang dùng sữa nội với giá 321.000 đồng/hộp 900g. Với thu nhập của hai vợ chồng công chức thì đây là sự cố gắng lớn của bố mẹ cháu. Thế nhưng hôm qua, mẹ cháu đi mua sữa thì không thể ngờ rằng loại sữa này đã tăng lên 352.000 đồng/hộp. Với mức giá mới không biết bố mẹ cháu còn phải chuyển sang loại sữa nào nữa để hợp với túi tiền".
Đó không chỉ là tâm trạng của bà Hảo mà đa phần người dân "méo mặt" khi tháng nào giá sữa cũng tăng "nhảy vọt". Kể từ Tết đến nay, ba tháng là ba lần tăng liên tiếp. Cục Quản lý giá (bộ Tài chính) cho biết, công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam và công ty cổ phần sữa Việt Nam mới gửi hồ sơ đăng ký tăng giá sữa. Cụ thể, công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam điều chỉnh tăng giá từ 2 - 9,5%, công ty cổ phần sữa Việt Nam tăng 7%.
Còn theo ý kiến của tổ điều hành thị trường trong nước (bộ Công thương), tiếp theo đợt tăng giá sữa vào tháng hai, trong tháng ba một số hãng sữa bột nhập khẩu trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá như công ty Friesland, Mead Johnson Nutrition Việt Nam, hãng sữa Dumex, công ty Friesland Campina Việt Nam, hãng sữa Abbott và sữa Nutrifood. Đây là lần thứ ba các hãng sữa tuyên bố tăng giá (lần thứ nhất là vào tháng 1/2013, lần thứ hai vào tháng 2/2013 và lần thứ ba là tháng 3/2013). "Nguyên nhân tăng giá là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã, bao bì và chi phí đầu vào tăng", đại diện tổ điều hành khẳng định.
Người tiêu dùng khốn khổ vì sữa tăng giá liên tục... Ảnh minh họa.
Đại diện các công ty cho rằng, sở dĩ buộc phải tăng giá sữa là do giá thế giới tăng, nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên theo tổ điều hành thị trường, giá sữa tại các thị trường trong tháng ba có nhiều diễn biến trái chiều, giá ở thị trường Tây Âu giảm nhẹ trong khi ở thị trường châu Úc tăng.
Như vậy, có thể thấy, giá sữa ở thị trường thế giới có nơi tăng nhẹ có nơi lại giảm nhẹ nhưng hầu hết các hãng sữa đều viện lý do muôn thuở: Giá đầu vào thế giới tăng. Các hãng sữa nội cũng tăng, trong khi giá họ thu mua sản phẩm sữa nguyên liệu của bà con nông dân trong ba năm nay vẫn chỉ ở mức thấp: 12.500 đồng/lít. Câu hỏi được đặt ra là đầu vào không tăng tại sao hãng sữa nội cũng tăng giá?
Chị Nguyễn Minh Loan ở chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) vô cùng bức xúc khi tháng nào cũng thấy túi tiền bị hụt đi nhiều vì giá sữa tăng liên tục. Chị Loan chia sẻ: "Nhà sản xuất lúc nào cũng lấy lí do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, tôi thấy dù khi giá thế giới tăng hay giảm thì giá sữa bột nhập khẩu vẫn tăng mà không thấy giảm, giá chỉ “đội” lên mãi. Người tiêu dùng chúng tôi bị thiệt thòi mà không biết kêu ai. Có lẽ, tôi đành cho con ăn nhiều bột và giảm lượng sữa".
Các hãng sữa đua nhau lách luật
Vì sữa là mặt hàng bình ổn giá, các nhà cung cấp phải đăng ký giá với Bộ Tài chính. Thế nhưng, các công ty đang có chiêu lách luật rất tài tình. Hiện nay có một thực tế, các công ty nhập nguyên liệu từ nước ngoài và kê khai là nguyên liệu sữa để được giảm thuế theo chính sách dành cho hàng bình ổn giá. Về Việt Nam, các công ty trộn thêm hương liệu và một số thành phần khác rồi bán ra thị trường với tên gọi là thực phẩm bổ sung dưỡng chất, thức ăn công thức… mà không phải với cái tên là sữa. Với hình thức kinh doanh lách luật này, các công ty vừa được hưởng thuế ưu đãi vừa được tự điều chỉnh giá bán theo ý mình mà không phải chịu sự quản lý giá của bộ Tài chính.
Điều này được chứng minh khi trên thị trường cùng một sản phẩm nhưng trước đây ghi là sữa và giờ lại ghi là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung… Người tiêu dùng thì vẫn mua theo thói quen mà không để ý thấy hàng chữ nhỏ xíu được các nhà sản xuất thay đổi để lách luật. Tổ điều hành cho biết, nhiều sản phẩm sữa sau khi hết thời hạn đăng ký theo qui định đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng như Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi), sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pediasure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi), thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi) gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trao đổi vấn đề này với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: "Theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung trong đó có sữa đậu nành, sữa chua,... do đó để bình ổn giá các mặt hàng này thì bộ Y tế cần phải chuẩn hoá tên mặt hàng - điều này là rất quan trọng, từ đó đưa vào kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không".
Về những khó khăn có thể gặp phải khi đổi tên các loại sữa bột đối với vấn đề quản lý giá, ông Tuấn nêu rõ kiến nghị của cục Quản lý giá, cụ thể: Cục Quản lý giá đã kiến nghị bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ba vấn đề về thương phẩm, chất lượng và giá cả mặt hàng, không thể chỉ kỳ vọng vào giá.
Trao đổi với PV, ông Ngô Trí Long, phó viện trưởng Viện Nghiên cứ Khoa học Thị trường Giá cả vạch rõ chiêu trò của các đơn vị kinh doanh sữa. Ông phân tích: Các hãng sữa in ấn lại bao bì, thay đổi tên gọi để sản phẩm đó không thuộc danh mục sản phẩm phải đăng ký giá với bộ Tài chính. Từ đó, họ có thể tùy ý tăng giảm giá "tùy thích". Theo quy định, nếu là sản phẩm sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi thì phải đăng ký giá và do cục Quản lý giá quản lý, còn thực phẩm bổ sung (có thành phần tương tự như sữa) thì Cục này không quản lý. Khi nhập nguyên liệu về họ nói đó là nhập về để sản xuất sữa, nhưng khi đưa ra thị trường thì họ bán sản phẩm đó với tên gọi "thực phẩm chức năng dinh dưỡng". Đây là một kẽ hở rất lớn trong quản lý giá hiện nay. Khi nhập về, nguyên liệu sữa bột và nguyên liệu thực phẩm dinh dưỡng có sự chênh lệch nhau khoảng 5%. Nếu nhập vào với tên sữa bột nguyên liệu thì sẽ được giảm 5% so với tên gọi thực phẩm dinh dưỡng. Với cách thức này, các đơn vị kinh doanh vừa giảm được thuếë, khi bán ra thị trường lại được tự do tăng giá để tối đa hóa lợi nhuận. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại để câu chuyện giá sữa sẽ được minh bạch hơn và người tiêu dùng đỡ bị thiệt thòi.
Còn ông Vương Ngọc Tuấn- phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng cho hay: "Sữa và thực phẩm chức năng có quy chuẩn khác nhau về thành phần dưỡng chất trong đó. Vì thế người tiêu dùng cần phải biết phân biệt để chọn sản phẩm sữa thay vì thức ăn công thức".
Quản lý giá sữa có nhiều "lỗ hổng" lớn Trao đổi với PV, ông Ngô Trí Long, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả cho biết: “Trong cấu thành giá sữa, nguyên liệu đầu vào chiếm một tỷ lệ rất lớn, thường là 60-70%. Dựa vào cớ đó, mỗi lần tăng giá, các công ty đều dẫn lý do, do giá nguyên liệu tăng. Hùa theo giá sữa ngoại, nhiều hãng sữa nội cũng đòi tăng giá dù giá thu mua sữa nguyên liệu không tăng trong vòng vài ba năm gần đây. Trên thị trường sữa có ba đơn vị quản lý chính là cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đơn vị này có trách nhiệm quản lý về giá, thứ hai là cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị này quản lý về chất lượng sữa. Chất lượng sữa sẽ là căn cứ để quyết định giá sữa); thứ ba là cục Quản lý thị trường (bộ Công thương). Tuy có sự hợp tác của cả ba bên nhưng thị trường sữa vẫn tồn tại những "lỗ hổng" lớn”. |
Thành Huế - Hồng Dương