Với chủ đề “Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam", hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trên địa bàn TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường đại học Ngân hàng cho biết, hội thảo thu hút 50 bài báo cáo khoa học từ 22 đơn vị là các trường đại học trên cả nước, trong đó ban tổ chức chọn ra 10 bài tiêu biểu để trình bày.
Nội dung chủ yếu là đánh giá sự tác động của hiệp định thương mại tự do, ảnh hưởng đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam.
Mặt thuận lợi là lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm, được học hỏi, giao lưu từ các chuyên gia nước ngoài… Bên cạnh đó, cũng sẽ gặp hạn chế là nếu lao động trẻ không đáp ứng nhu cầu về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, khoa học, công nghệ… thì sẽ khó khăn trong tìm việc làm.
Tác giả Đào Minh Châu, trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng, việc dỡ bỏ rào cản đầu tư sẽ thúc đẩy đầu tư vào nước ngoài.
Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam, mở mang xí nghiệp, mang lại công nghệ và tiêu chuẩn nước ngoài vào Việt Nam.
Điều đó giúp tạo công ăn việc làm mới, giúp người lao động trong nước học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế Việt Nam tiếp nhận, khoa học công nghệ, kỹ thuật từ nước ngoài.
Cũng theo tác giả Đào Minh Châu, lao động trẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tình huống khi thì sếp là người nước ngoài, khi thì khách hàng là người nước ngoài, khi thì đối tác là người nước ngoài, nếu lao động trẻ không xử lý được rào cản ngôn ngữ thì sẽ dễ bị đào thải.
Từ đó, sinh viên phải nhìn về phía trước để tốt nghiệp và làm việc tại một công ty tốt, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thứ, nhưng không thể bỏ qua việc biết sử dụng tiếng Anh…
Trong khi đó, tác giả Hoàng Thùy Linh, trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, giới trẻ Việt Nam phải xác định được thang bảng giá trị dựa trên các tiêu chí như: Thứ nhất là phát triển toàn diện thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng, có khả năng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trước xu thế hội nhập.
Thứ 2 là yêu nước bằng trái tim nóng và khối óc lạnh với tinh thần tự tôn dân tộc đủ để thể hiện khát khao vươn lên hòa nhịp với các nước khu vực và thế giới nhưng luôn kiên định lập trường “đổi mới nhưng không đổi màu, hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Thứ ba là phải có lối sống nhân văn, biết cân đối hài hòa giữa lý tưởng và thực tiễn, giữa việc cá nhân và hợp tác. Cuối cùng là chuyên nghiệp, tự tin, tự trọng, trung thực và tôn trọng pháp quyền.