Sau cú đâm điên loạn, ngông cuồng của những tên trộm cướp vào nhóm “hiệp sĩ” giữa đường phố, đã có rất nhiều bình luận về vụ việc. Đó là sự tôn vinh, ngưỡng mộ các anh “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Họ đúng là các “hiệp sĩ”.
“Hiệp sĩ” bởi các anh hoàn toàn tự giác công việc săn bắt trộm cướp cực kỳ nguy hiểm không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình. Đồng thời, nhiều ý kiến băn khoăn, có nên khuyến khích lực lượng này tham gia đảm bảo an ninh đường phố không? Thậm chí, có người còn viện dẫn ở một số nước cấm việc người dân tham gia trực tiếp bắt tội phạm kiểu này, bởi nó gây nguy hiểm tính mạng cho họ và hơn nữa, đó là nhiệm vụ của... cảnh sát là chính.
Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, tôi không muốn bàn luận đến những nội dung đó, mà chỉ đề cập khía cạnh: Trộm cướp hoành hành và trách nhiệm của cảnh sát.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Lê Hồng Hà, Trưởng Công an quận 3, TP.HCM cho biết, các nghi can gây án thuộc băng nhóm chuyên nghiệp. Như vậy, Trưởng Công an quận thẳng thắn thừa nhận, đây là băng nhóm trộm cướp chuyên nghiệp. Dù rằng, ông Trưởng Công an quận không nói người dân cũng thừa hiểu, với cách hành động liều lĩnh, găm sẵn dao tự chế, 2 đối tượng tấn công trực diện 5-6 “hiệp sĩ” cùng lúc đã tẩu thoát thành công, không bị một thương tích cho thấy, chúng chuyên nghiệp, hung bạo tới mức nào.
Vấn đề đặt ra là, lực lượng CSHS thành phố, Công an quận chưa kịp thời có giải pháp ngăn chặn hiệu quả?
Ngày 14/5, tại buổi tiếp xúc của Đại biểu Quốc hội với cử tri huyện Bình Chánh, Thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ một số thông tin liên quan đến vụ 2 “hiệp sĩ” bị đâm chết. Theo ông Châu, trước đó 4 đối tượng đi dò một số nơi để tìm xe trộm cắp. Nhóm anh em “hiệp sĩ” thấy dấu hiệu khả nghi nên bám theo. Đến đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) thì 2 người đi xe Exciter dừng lại, một người xuống bẻ khoá xe SH.
Thông tin từ Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho thấy, không có nghiệp vụ, không có sự hỗ trợ về thông tin như CSHS, không có lương, các “hiệp sĩ” vẫn có thể biết đối tượng nghi vấn để bám theo nhằm bắt quả tang. Vậy, lực lượng CSHS thì sao?
Chắc, câu trả lời dễ nhất là lực lượng cảnh sát mỏng, không đủ người đeo bám các đối tượng. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, với những băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, đặc biệt là đối tượng nguy hiểm như băng nhóm này, cần phải có những giải pháp ngăn chặn, theo dõi đặc biệt.
Theo báo chí đăng tải, TP.HCM vẫn là nơi nạn trộm cướp hoành hành phức tạp nhất nước, chúng sẵn sàng tấn công bất cứ ai có ý định chống trả.
Một câu hỏi khác cần đặt ra, sau khi triệt hạ băng nhóm Năm Cam, vì sao tình hình trật tự an ninh ở thành phố này vẫn phức tạp? Vì sao các băng nhóm tội phạm dám hoạt động liều lĩnh như vậy?
Mặt khác, trước mỗi vụ án, lực lượng CSHS tập trung lực lượng nên sớm phá án, dư luận rất hoan nghênh. Tin rằng, dư luận sẽ hoan nghênh hơn, tin tưởng hơn nếu sớm có giải pháp phòng ngừa tốt hơn nữa.
Đến đây lại có câu hỏi tiếp: Có bao nhiêu vụ xe máy, điện thoại bị cướp, giật, trộm ngoài đường phố tìm được thủ phạm? Theo những gì công luận được biết, thì chưa bao giờ có những số liệu kiểu như thế này. Nhưng, thực tế, một số nạn nhân khó hy vọng thấy những món đồ mình đã mất.
Do đó, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng cần thống kê, công bố những con số: Trung bình mỗi ngày xảy ra bao nhiêu vụ trộm cắp xe máy, bao nhiêu vụ cướp điện thoại, bao nhiêu vụ trộm cướp kiểu này gây thương tích và đã phá được bao nhiêu phần trăm số vụ như vậy.
Chỉ khi có những con số này, dù rằng có thể chưa chính xác bởi có nạn nhân không báo cho lực lượng chức năng vì lý do khác nhau, nhưng nó sẽ cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về tình hình an ninh trật tự của thành phố và hiệu quả công tác của lực lượng chức năng.
Đã đến lúc cần phải nói thẳng: Để côn đồ manh động, liều lĩnh như vậy, trách nhiệm chính thuộc lực lượng cảnh sát.
Vương Hà
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.