Từ thị trường chính “đột ngột”… hạn chế nhập khẩu
Thông tin từ bộ Công Thương Việt Nam, ngày 31/8/2019, bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) đã ban hành Thông báo số 15/2015-2020 về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). Theo đó, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Thông báo có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.
Như vậy, theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu từ bộ Công Thương Ấn Độ (do Tổng cục Ngoại thương cấp). Tuy nhiên, đến nay, bộ Công Thương Ấn Độ chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng như thời gian cấp phép. Theo phản ánh của các đối tác nhập khẩu hương nhang tại Ấn Độ, chưa có doanh nghiệp nào xin được giấy phép nhập khẩu.
Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo), không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính - không có thị trường thay thế của ngành hương nhang xuất khẩu của Việt Nam.
Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD).
Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ theo Thông báo 15 nói trên thì toàn bộ các doanh nghiệp lớn nhỏ Ấn Độ dừng nhập khẩu vô thời hạn đến khi được cấp giấy phép. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam dừng sản xuất 100% từ ngày 1/9/2019 và tồn kho các đơn hàng đã ký lên đến hơn 10.000 tấn vì tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng. Lượng hàng tồn kho rất lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân.
Cụ thể, hiện có trên 1 triệu hộ gia đình đang đóng cửa sản xuất, kéo theo các ngành sản xuất cung ứng nguyên liệu như tăm, keo, bột cũng tạm dừng. Chuỗi cung ứng sản xuất toàn bộ tê liệt, kéo theo hàng trăm lao động thất nghiệp, bà con nông dân mất việc làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Đáng chú ý, toàn bộ trên 100 container và các hợp đồng đã ký kết, đang sản xuất dở dang… tạm dừng khiến các doanh nghiệp, các hộ gia đình lao đao, các nhà cung ứng trong chuỗi… có nguy cơ phá sản cao khi chính sách không có độ trễ thời gian thực hiện.
Hàng nghìn người lao động về đâu?
Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là địa phương thuần nông, người dân quanh năm sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Thế nhưng, do thiên tai và sâu bệnh mất giá nên cuộc sống luôn gặp khó khăn. Những năm gần đây, Công ty xuất khẩu Hương Việt thành lập và mở rộng các vệ tinh sản xuất hương xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Từ đó, các hộ dân nơi đây đã thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, mua máy móc dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương và nhiều lao động phụ trợ nguyên vật liệu cả nước.
Hàng năm góp phần ổn định kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc Ấn Độ “đột ngột” thông báo ngừng nhập khẩu khiến toàn bộ hoạt động sản xuất hương nhang trên địa bàn huyện tê liệt, ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn người lao động nơi đây.
“Nếu việc ngừng nhập khẩu hương của Ấn Độ có hiệu lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế của chúng tôi, nhiều gia đình sẽ bị phá sản và không thể thanh toán nợ cho ngân hàng. Còn hàng ngàn người lao động thì mất việc làm, lâm vào tình trạng thất nghiệp vì không thể xin việc ở các công ty khác do tuổi quá cao” – hàng chục hộ dân làm hương nhang ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã lo lắng gửi đơn đến các cơ quan ban ngành xin trợ giúp.
"Nghề làm hương là nghề truyền thống và cũng là nghề mang lại thu nhập chính của chúng tôi. Bởi chúng tôi giờ sức khỏe yếu không có xí nghiệp nào nhận. Nay nghề làm hương cũng dừng sản xuất nữa thì hàng nghìn người lao động như chúng tôi lâm vào tình trạng mất việc làm, không biết bấu víu vào đâu để sống nữa” - Bà Nguyễn Thị Thuân (thôn Nam Hưng, xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) thở dài.
Chung nỗi lo lắng, anh Lê Xuân Quảng (xóm 4, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Hiện tại xưởng sản xuất hương của gia đình tôi đang giải quyết việc làm cho 25 công nhân lao động tại địa phương có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định tăng giá trị phát triển kinh tế gia đình. Nhưng hiện nay phía Ấn Độ ngừng nhập khẩu thì hoạt động của xưởng phải dừng lại, đồng nghĩa việc người dân mất việc làm. Chưa kể, chúng tôi phải đi vay tiền ngân hàng về để làm xưởng, mua máy móc, giờ việc sản xuất đình trệ thì chúng tôi không biết lấy đâu ra nguồn thu nhập để trả lãi ngân hàng nữa”.
Nhóm PV