Trong 2 ngày tập huấn, các luật gia khu vực miền Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và mô hình pháp luật hấp dẫn, có thể áp dụng được vào thực tiễn tại Việt Nam. Trong đó, mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng ở Úc được bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đưa vào hội nghị lần này.
Theo bà Thanh, đây là một mô hình thực tiễn được nhiều người dân ở Úc ủng hộ và có thể hỗ trợ pháp lý được cho nhiều người dân, đặc biệt là những người không đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý và những người không có tiền chi trả cho luật sư tư.
Cùng chung ý tưởng, ông Võ Viết Hà, Phó Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: “Mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng là mối quan hệ, cơ chế phối hợp quyền và trách nhiệm giữa các chủ thể Nhà nước. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, việc xây dựng mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng được các cấp Hội quan tâm".
Ông Hà cho biết thêm, để hình thành cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của trung tâm Pháp luật cộng đồng cần sớm xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và quyết định về mô hình này ở cơ sở. Trong đó xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức và cá cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực cho hoạt động của trung tâm.
Sau khi kết thúc phần trình bày của luật gia Lê Thị Kim Thanh và luật gia Võ Viết Hà, nhiều luật gia cũng bày tỏ quan điểm và mong muốn Hội Luật gia Việt Nam xem xét sớm đưa ra những cơ sở pháp lý để trung tâm sớm đi vào hoạt động tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nói: “Mong Trung ương Hội quan tâm và định hướng cho chúng tôi, như vậy mới hy vọng mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng có thể hoạt động hiệu quả”.
Trong hội nghị lần này, nhiều ý kiến góp ý của các luật gia đã được Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Kết thúc buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam rất vui mừng vì các luật gia đã sôi nổi góp ý. Ông cũng rất mong các luật gia của 63 tỉnh thành tiếp tục đóng góp ý kiến qua các địa chỉ online của Hội Luật gia Việt Nam để có sự tương tác và gắn bó với nhau hơn.
“Những góp ý trong 3 buổi làm việc vừa qua, tôi cũng đã ghi nhận các ý kiến của các luật gia. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng cùng các thành viên Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu và chọn ra một mô hình tốt nhất để nâng cao vị thế, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm.