Theo chương trình, nội dung kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 15/1/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 18/1/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung quan trọng, trao đổi với Người Đưa Tin về kỳ vọng đối với các nội dung sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá những nội dung được xem xét tại kỳ họp bất thường vô cùng quan trọng, có tính cấp bách.
“Những nội dung dự kiến xem xét, quyết định trong kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn hiện tại trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, những điểm nghẽn này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung”, bà Việt Nga bày tỏ.
Do đó, nữ đại biểu kỳ vọng các ĐBQH sẽ nghiên cứu sâu, kỹ tài liệu, tích cực thảo luận để thông qua hai dự án Luật quan trọng; cũng như đóng góp nhiều ý kiến vào hai Nghị quyết.
"Hai dự án Luật được thông qua và hai Nghị quyết được ban hành sẽ là động lực, là cơ chế có ý nghĩa đặc biệt cần thiết để Chính phủ điều hành việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay", bà Việt Nga nhấn mạnh.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Việt Nga cho hay, hiện chúng ta đang gặp nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những điểm nghẽn này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
“Sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải tỏa khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng cần thiết và cấp bách. Vì thế, việc xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, bà Việt Nga cho hay.
Nhìn nhận thêm về các chương trình mục tiêu quốc gia, theo đại biểu đoàn Hải Dương, 3 chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương được giao còn rất chậm…
Trong đó, một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng;...
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.
Những khó khăn, vướng mắc này đã được Quốc hội thảo luận kỹ tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ thì khó có thể giải ngân, thực hiện tốt những nhiệm vụ còn lại của 3 Chương trình này, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Như vậy, ý nghĩa nhân văn của chương trình, mục tiêu của Chương trình sẽ bị ảnh hưởng. Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia”, bà Việt Nga cho biết thêm.
Do đó, nữ đại biểu cho rằng cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, bà cũng mong các ĐBQH sẽ thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng để thông qua Nghị quyết.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh, những vấn đề được đưa ra tại kỳ họp lần này, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đều là những vấn đề rất nóng, quốc kế dân sinh, ở đó, bất kỳ lý do gì ảnh hưởng đến tiến độ ban hành các luật này, cũng ảnh hưởng rất lớn, tác động rất tiêu cực đến xã hội.
Theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội về chương trình, nội dung kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV:
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung.
Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác).