Người bảo đúng, người nói sai
Trả lời PV về việc “chưa cho phép" của Bà Tưng do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL ban hành ngày 7/8, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla, cho rằng: Bộ không sai. Bởi theo lý giải của luật sư Hòe: “nếu Bộ đưa ra lệnh cấm biểu diễn thì phạm luật, nhưng ở đây Bộ chỉ đưa ra lệnh “chưa cho phép", nghĩa là còn được xem xét biểu diễn lại nên Bộ không sai”.
"Bà Tưng" - Lê Huyền Anh |
Trong khi đó, TS. Luật sư Trần Anh Dũng phân tích câu chuyện Bà Tưng trên cơ sở các văn bản luật đã ban hành, lại cho rằng, hiện nay chưa có giấy phép hành nghề với nghệ sĩ và ca sĩ nên công dân Việt Nam không vi phạm pháp luật thì đều có thể biểu diễn mà không cần có giấy phép. Bởi, theo quy định tại điều 8 và 9 của Nghị định 79 (nghị định Cục Biểu diễn nghệ thuật lấy làm cơ sở để ban hành văn bản: "Tạm thời chưa cho phép" Bà Tưng biểu diễn, giấy phép này cũng chỉ áp dụng với đơn vị tổ chức biểu diễn chứ không phải giấy phép cho người biểu diễn.
Chưa kể, theo điều 12.1 của Nghị định 79: bar, hotel không phải xin giấy phép biểu diễn. Vì thế, nếu bar cứ để Bà Tưng diễn cũng không vi phạm quy định của nghị định 79. Bởi Cục không có quyền cấm ai biểu diễn ở những nơi không cần phải xin giấy phép.
Công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn |
Luật sư Dũng cũng chỉ rõ, ngay cả việc dùng từ “chưa cho phép” thay vì từ “cấm” trong văn bản Cục Nghệ thuật biểu diễn mới ban hành đối với trường hợp bà Tưng cũng không có quyền. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định nào cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn quyền cho hay không cho phép một công dân Việt Nam biểu diễn ở Việt Nam. Cục Nghệ thuật đã “đánh lận con đen”, gửi cho đơn vị tổ chức (mà thậm chí Cục không có quyền như bar và hotel) để không cho phép một công dân không được biểu diễn là trái nghị định.
Còn luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, dù không quan tâm và không biết Bà Tưng là ai nhưng ông cũng cho rằng, nếu có hành vi phản cảm thì cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo ông Triển, từ nay trở đi những trường hợp vi phạm tương tự hoặc vi phạm hơn thì dù đó là ca sỹ nào, nghệ sỹ nào cũng phải được áp dụng hình thức tương tự. Có như vậy mới đảm bảo được yếu tố công bằng trước pháp luật, mới có giá trị phòng ngừa chung.
Theo luật sư Trần Đình Triển trả lời trên một báo mạng; “Việc cấm này là để tránh việc biểu diễn có những hình ảnh gây phản cảm, ảnh hưởng đến giới trẻ và cũng là để tránh những người không có tên tuổi lợi dụng những “scandal” để gây lên sự tò mò, hiếu kỳ của người xem, nhằm đưa tên tuổi của người đó lên khi biểu diễn ở nơi nào đó. Đó là có thể coi là một việc cạnh tranh thương mại bất hợp pháp. Việc đó cần phải được xử lý nghiêm”.
Bà Tưng có “vi phạm thuần phong mỹ tục”?
Nội dung công văn số 633/NTBD-PQL: “Trong thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội trực tuyến xuất hiện tràn lan nhiều ảnh, clip ghi âm thanh, hình ảnh có nội dung dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc của nhân vật Lê Thị Huyền Anh (hay còn gọi là bà Tưng). Nội dung các hình ảnh và clip nêu trên đã tác động xấu đến nhận thức, tâm lý, tình cảm của giới trẻ, gây bất bình trong dư luận xã hội. Qua công tác quản lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận được thông tin qua đường dây nóng nhân vật Lê Thị Huyền Anh đã cùng êkíp thực hiện chụp các hình ảnh, quay clip trên mạng Internet nhằm mục đích gây sự chú ý của công chúng để nổi tiếng và tham gia biểu diễn nghệ thuật”. Chính vì vậy, để thực hiện nghiêm túc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL, Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi Công văn 633 này đến các Sở VH,TT&DL các tỉnh/ thành phố đề nghị: - Tạm thời chưa cho phép Lê Thị Huyền Anh (hay còn gọi là Bà Tưng) tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. - Có văn bản thông báo đến các Công ty hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, các chủ địa điểm (Nhà hàng, Khách sạn, quán Bar, Vũ trường…) không được tổ chức cho Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng) tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. |