Bộ Thương mại Hàn Quốc hôm 3/3 cho biết điện thoại di động, ô tô và các mặt hàng tiêu dùng khác của nước này không thuộc đối tượng chịu các hạn chế xuất khẩu của Mỹ áp đặt lên Nga.
Trước đó, vào ngày 24/2/2022 Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố một đợt trừng phạt mới nhằm đáp trả hành động can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine. Lệnh hạn chế mới nhắm mục tiêu cụ thể đến các tổ chức tài chính, giới tài phiệt Nga, các doanh nghiệp nhà nước, một số ngành và lĩnh vực quan trọng của Moscow như hàng không, công nghệ cao, hàng hải…
Bộ Thương mại Mỹ đã thực hiện các hạn chế xuất khẩu rộng, bao gồm Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR). Quy tắc này hạn chế xuất khẩu sang Nga bất kỳ sản phẩm nào sử dụng công nghệ hoặc thiết bị của Mỹ, ngay cả khi sản phẩm đó không được sản xuất tại Mỹ. Đây là một trong những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm khắc nhất được áp đặt đối với Nga kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Trong cuộc họp giữa Seoul và Washington diễn ra vào tuần này, Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết Bộ Thương mại Mỹ xác nhận rằng điện thoại thông minh, ô tô, máy giặt và hàng tiêu dùng khác là những ngoại lệ đối với các quy tắc FDP, miễn là chúng không được vận chuyển cho người dùng liên quan đến quân sự.
Các công ty Hàn Quốc cũng có thể được chấp thuận chuyển hàng theo kế hoạch đến nhà máy của họ tại Nga thông qua việc “kiểm tra từng trường hợp cụ thể” của Mỹ. Hàn Quốc đang tìm giải pháp nhằm nhận được sự miễn trừ khỏi các quy tắc FDP.
Cũng như hầu hết các nhà sản xuất chip toàn cầu, các công ty công nghệ lớn của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix ở một mức độ nào đó đã dựa vào công nghệ Mỹ để sản xuất chất bán dẫn.
Vào năm ngoái, xuất khẩu chip của Hàn Quốc sang Nga đạt 74 triệu USD, chỉ chiếm 0,06% tổng lượng xuất khẩu của quốc gia châu Á này. Theo tổ chức Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS), Nga chiếm chưa đến 0,1% doanh số bán chip toàn cầu.
Mặc dù quy mô là không lớn, song ông Park Jae-gun, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Màn hình và Bán dẫn Hàn Quốc, cho biết việc kiểm soát xuất khẩu có thể làm giảm nhu cầu về chip, mở rộng hơn là giảm nhu cầu về các thiết bị tiêu dùng và điện thoại thông minh sử dụng chip.
Đã có những ý kiến quan ngại rằng các hạn chế có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh di động của Samsung ở Nga, vì bộ xử lý ứng dụng cho điện thoại di động của hãng này dựa trên công nghệ của Mỹ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), vào năm ngoái Samsung là nhà cung cấp thiết bị di động hàng đầu tại Nga, chiếm khoảng 26,6% thị phần.
Phạm Hà Thanh (theo Yonhap, Korea Times)