Sáng 11/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng cần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp khi gặp khó khăn
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn đóng góp của các ngân hàng thương mại trong xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025, triển khai một số gói tín dụng liên quan tới nông nghiệp, nhà ở xã hội…
Bày tỏ mong muốn ngành ngân hàng phát triển lành mạnh hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn nữa, người dân được quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ nhiều hơn, Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, ngân hàng cần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp khi gặp khó khăn, hy sinh một phần lợi nhuận của mình để làm việc này.
!["Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 1. "Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/11/thu-tuong-pham-minh-chinh-1739259217383984740315.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị (Ảnh: VGP).
Tiếp đến, bám sát tình hình thế giới, khu vực và trong nước để kịp thời đưa ra đề xuất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, luật pháp trong các luật, nghị định và thông tư.
Thủ tướng cho biết năm 2025, chúng ta phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát bội chi, nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài trong giới hạn, điều hành tốt chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng trên 16%, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
8 nhiệm vụ với ngành ngân hàng
Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Thứ hai, tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…
!["Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 2. "Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/11/thu-tuong-17392593949811704307883.jpg)
Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (Ảnh: VGP).
Thứ ba, NHNN và các ngân hàng thương mại phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai Đề án 06; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; có biện pháp thí điểm triển khai và quản lý ngân hàng ảo.
Thứ tư, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Thứ năm, thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của những người làm ngân hàng vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước, góp phần chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Thứ sáu, các ngân hàng tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
!["Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 3. "Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 3.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/11/thong-doc-17392593949891517425691.jpg)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Thứ bảy, NHNN, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị trên tinh thần vì sự phát triển chung, hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, đoàn kết, chung sức đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan và nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng.
Theo Thủ tướng, các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi".
Trong đó, Thủ tướng lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì số doanh nghiệp này chiếm tỉ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm.
Mong các ngân hàng hoạt động đúng luật, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, Thủ tướng nêu rõ, những sai phạm vừa qua liên quan đến trái phiếu có phần trách nhiệm của các ngân hàng.
"Việc này cần rà soát, chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh, phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ khách hàng. Cơ quan thanh tra của ngành ngân hàng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn", Thủ tướng nêu rõ.
!["Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 4. "Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay"- Ảnh 4.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/11/ngan-hang-1739259431076820321853.jpg)
Thủ tướng và các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: VGP).
Nhấn mạnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, là điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hoạt động ngân hàng phải rất linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể, nếu tình hình đặc biệt thì phải có cách ứng xử đặc biệt, phát huy văn hóa, đạo đức kinh doanh, sự tin tưởng lẫn nhau, tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong những lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và có những lúc phải hy sinh, góp phần tri ân các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân.