Vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature ở Mỹ vào cuối tuần qua đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính.
Mặc dù chính phủ Mỹ đã hứa hẹn sẽ ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, những lo ngại về khả năng lây lan vẫn chưa thể nào lắng xuống.
Tuy nhiên, theo các tổ chức xếp hạng, những vụ phá sản này sẽ không có tác động đáng để đến các ngân hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thank khoản dồi dào
Một trong những lý do khiến các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương ít chịu tác động của vụ phá sản ngân hàng Mỹ là nguồn vốn ổn định và thanh khoản dồi dào, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service.
Các ngân hàng trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore và những quốc gia khác “chủ yếu được tài trợ bằng tiền gửi của khách hàng, trong khi các khoản vay thị trường của họ ở mức trung bình, chỉ chiếm khoảng 16% tổng tài sản”, Moody’s cho biết.
“Khách hàng của họ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có rất ít công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ”, theo Moody’s.
Việc các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa Ngân hàng Signature và Ngân hàng Thung lũng Silicon sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng này đã làm chấn động thị trường và làm dấy lên lo ngại về một phản ứng dây chuyền trên khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng vì họ đã nghiêm ngặt tuân thủ các yêu cầu về tỉ lệ thanh khoản nhằm ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt.
Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng trong khu vực không có các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), do đó, các khoản lỗ giá trị hợp lý đối với chứng khoán HTM sẽ ở mức độ “khiêm tốn” đối với hầu hết các ngân hàng khu vực này ngay cả khi họ cần bán một phần danh mục đầu tư, vì việc tăng lãi suất ở khu vực này khiêm tốn hơn và chậm hơn so với ở Mỹ.
Moody’s cho rằng các ngân hàng ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản ít khi phải chứng kiến dòng tiền lớn chảy ra khỏi tài khoản do họ vẫn dồi dào tiền mặt.
Khả năng chống chịu rủi ro cao
Cùng quan điểm trên, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng vụ phá sản của SVB và Signature mang lại nhiều tác động quan trọng đối với hồ sơ tín dụng của các ngân hàng mà tổ chức này xếp hạng ở châu Á – Thái Bình Dương, bởi họ “có khả năng chống chọi với rủi ro” cao.
Những điểm yếu dẫn đến sự thất bại của 2 ngân hàng Mỹ đã được Fitch Ratings xem xét khi đánh giá xếp hạng các ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, “những điểm yếu này thường được bù đắp bởi các yếu tố liên quan đến cấu trúc”, Fitch Ratings cho biết.
Đứng trước nguy cơ có sự biến động đáng kể về lượng tiền gửi trong các ngân hàng kỹ thuật số ở châu Á – Thái Bình Dương, Fitch Ratings cho rằng các chính phủ trong khu vực có thể sẽ can thiệp để hỗ trợ các ngân hàng của họ khi cần, giúp giảm rủi ro hơn nữa.
Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang thực hiện những thay đổi sớm hơn dự kiến đối với chính sách tiền tệ của mình, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất cơ bản thay vì tăng lãi suất như dự kiến, các ngân hàng trong khu vực vẫn sẽ không chịu nhiều tác động, theo Fitch Ratings.
“Nếu Mỹ cắt giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng, điều này có thể khiến chính sách tiền tệ ở một số thị trường châu Á - Thái Bình Dương lỏng lẻo hơn so với mức cơ sở của chúng tôi”, Fitch Ratings dự đoán.
“Nhìn chung, chúng tôi tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương, vì ảnh hưởng đối với thu nhập lãi ròng sẽ lớn hơn ảnh hưởng đối với định giá chứng khoán. Tuy nhiên, nó sẽ hỗ trợ chất lượng tài sản, và không ảnh hưởng nặng nề đến xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng”, cơ quan này cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Yahoo!News)