Các ngân hàng có chịu "nhả" vàng khi giá lên cao?

Các ngân hàng có chịu "nhả" vàng khi giá lên cao?

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

"Khi gửi vào ngân hàng, người dân sẽ ký hợp đồng gửi có thời hạn. Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể rút vàng nhưng phải chiếu theo quy chế của ngân hàng, có thể bị giảm lãi suất chẳng hạn..." chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành trao đổi xung quanh Đề án huy động vàng trong dân của Ngân hàng Nhà nước.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 300 - 500 tấn vàng "nằm chết" trong dân. Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia kinh tế cũng như người dân đang quan tâm là Đề án huy động vàng trong dân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ tới đây liệu có đủ sức hấp dẫn để thu hút được số vàng khổng lồ này, đánh bật tâm lý "vàng giắt lưng" cố hữu lâu nay của người dân?

Người dân không mặn mà

Trả lời báo chí, thống đốc NHNN, Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Nếu chúng ta không huy động được số vàng lớn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được. Việc quản lý thị trường vàng một mặt phải đảm bảo quyền của người dân trong dự trữ vàng, mặt khác phải đảm bảo huy động nguồn vốn đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay".

Theo Đề án huy động vàng trong dân Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Được biết, khi đón nhận thông tin này, các ngân hàng thương mại đều tỏ ra khá hào hứng (họ không phải chịu rủi ro trong việc huy động). Tuy nhiên, trái lại, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ, không mặn mà với đề án đó.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thanh Nga, biên tập viên một trang web bất động sản (Phạm Hùng, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng nghe qua về đề án này trên báo chí, tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi thấy nó có một vài điểm gây bất tiện cho người gửi. Về lãi suất thì quá thấp, chỉ 1-2%/năm, hơn nữa, ngân hàng chỉ huy động vàng miếng mà trước đây tôi chỉ mua vàng trang sức về dùng. Vì vậy, bây giờ lại phải làm thủ tục đổi vàng trang sức ra vàng miếng, rồi lại làm hợp đồng gửi rất rắc rối. Chính vì vậy, vẫn biết là gửi vàng tại ngân hàng rất an toàn nhưng để thuận tiện tôi sẽ không gửi".

Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều người dân đều cho rằng lãi suất thấp không phải là một vấn đề quá quan trọng. Điều người dân đang rất phân vân và lo lắng khi đem vàng gửi vào ngân hàng, khi cần họ có rút được hay không?

Bất động sản - Các ngân hàng có chịu 'nhả' vàng khi giá lên cao?

Nếu Đề án huy động vốn trong dân được triển khai liệu những bất ổn ở thị trường này sẽ được giải quyết?

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Tài (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trước đó, tôi có gửi vàng tại ngân hàng Techcombank vì ngân hàng này có cho rút vàng trước thời hạn. Sau Tết, có thời điểm giá vàng lên 46 triệu đồng/lượng, tôi ra ngân hàng rút vàng để bán. Tuy nhiên, khi tôi đến phòng giao dịch của ngân hàng này trên đường Lê Văn Lương để làm thủ tục rút vàng thì một nhân viên tại đây bảo khách hàng muốn rút phải gọi điện thông báo trước 1 hôm. Rõ ràng việc này là bấp hợp lý bởi khi tôi gửi vàng vào ngân hàng này không thấy họ nói gì về việc này cả, hơn nữa, giá vàng nay lên mai xuống, khi giá vàng cao thì người dân mới đi rút để bán. Nếu cứ phải báo trước một ngày thì có thể hôm gọi điện hẹn rút giá vàng cao nhưng khi cầm được vàng trong tay rồi thì giá lại xuống thấp. Như vậy sẽ rất bất tiện cho người gửi".

Anh Tài cũng cho biết thêm, gửi vàng ngân hàng lãi suất thấp, chỉ khoảng 2%/năm, nhưng gửi vào thì dễ, rút ra mới khó. Một số ngân hàng yêu cầu không được rút trước hạn, kỳ hạn gửi thấp nhất là 1 tháng, còn có ngân hàng đồng ý cho rút trước hạn nhưng lãi suất là 0%.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho biết, thực tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) trước đây đã tiến hành huy động vàng và cho vay bằng vàng. Nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2010 và 2011, sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro, do vậy, hoạt động này chưa phát huy được hiệu quả.

Sẽ gỡ rào cản "gây khó" cho người dân?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Trúc, phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: "Tôi cũng là một trong những người tham gia chắp bút viết về dự án huy động vàng trong dân. Việc huy động vàng để lấy nguồn vốn phát triển kinh tế cũng là một biện pháp hay trong điều kiện kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, đề án này cũng có một số điểm cần phải sửa đổi lại. Tôi được biết, trong đề án có nêu rằng, người gửi không được rút trước thời hạn, có lẽ đây là một quy định gây khó khăn cho dân. Bởi vì, có thể trong lúc gửi, người dân có công việc bất khả kháng, cần thiết phải rút vàng về để trang trải cuộc sống. Chính vì thế, đề án nếu muốn đi vào hiện thực thì cần cân nhắc kỹ lưỡng".

Bất động sản - Các ngân hàng có chịu 'nhả' vàng khi giá lên cao? (Hình 2).

Ông Nguyễn Thanh Trúc

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng: "Theo tôi, quy định không rút vàng trước thời hạn trong đề án trên cũng cần bàn bạc lại. Vì trong thời gian gửi, có thể người dân có việc gấp, cần phải rút ngay số vàng đó nhưng theo quy định đến hạn họ mới được rút thì đã quá muộn. Theo tôi, nếu đề án trên được Chính phủ thông qua thì NHNN cũng nên có quy chế về việc rút vàng trước thời hạn. Có thể khi gửi vào ngân hàng, người dân sẽ ký hợp đồng gửi có thời hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể rút vàng nhưng phải chiếu theo quy chế của ngân hàng, có thể bị giảm lãi suất chẳng hạn...".

Được biết, trước đó, nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề NHNN chỉ huy động vàng miếng trong khi người dân Việt Nam từ trước đến nay có thói quen lưu trữ vàng trang sức và thực tế, số vàng này cũng không phải là nhỏ. Chính vì thế, người dân lại phải bán số vàng trang sức để mua vàng miếng rồi mới gửi.

Theo ông Bùi Kiến Thành, đây là một quy định cần phải sửa đổi vì nó sẽ cản trở đến việc huy động vàng trong dân. "Theo tôi, NHNN không nhất thiết bắt buộc người dân phải gửi vàng miếng mà có thể mang vàng cục, vàng trang sức... đến ngân hàng gửi. Ngân hàng sẽ kiểm tra loại vàng đó là loại nào (18k, 24k...), bao nhiêu tuổi sau đó ghi lại vào hợp đồng gửi. Từ đó, Ngân hàng có thể mang đi nấu thành vàng miếng để lưu trữ. Khi người dân đến rút thì sẽ lấy loại vàng tương đương với loại họ đã gửi", ông Thành nhấn mạnh.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Đề án huy động vàng trong dân được coi là hợp lý trong thời điểm hiện nay. Bởi vì, với nguồn lực lớn từ 300 - 500 tấn vàng "nằm chết" trong khi nhiều ngành nghề lại đang thiếu vốn để kinh doanh, sản xuất. Nếu người dân cứ để vàng một chỗ như vậy sẽ rất lãng phí.

Ông Nguyễn Công Danh, giám đốc Cty CP vàng châu á khẳng định: "Chủ trương huy động vàng là tốt nhưng cái mà người dân quan tâm hiện nay chính là việc đó được thực hiện như thế nào? Có 2 vấn đề cần phải giải quyết tốt đó chính là tính thanh khoản (tránh trường hợp gửi vào dễ, rút thì khó như nhiều người dân phàn nàn); trong trường hợp giá vàng lên mà người ta có nhu cầu kinh doanh thì phải làm thủ tục nhanh cho họ cầm cố, vay lại. Chỉ cần giải quyết được hai vấn đề này thì tất cả các vấn đề còn lại sẽ không còn là trở ngại.

Lãi suất huy động vàng từ 1-2% theo ông Danh là khá hợp lý. Huy động vàng, không thể áp mức lãi suất cao hơn vì còn liên quan đến vấn đề tỷ giá. Mặt khác, điều kiện lãi suất cũng không phải là điều người dân quá quan tâm khi cân nhắc nên gửi vàng vào ngân hàng hay không?

Trước hết, cần tạo niềm tin

Về vấn đề quy định lãi suất 1-2%/năm như trong Đề án, liệu có thu hút được lượng vàng lớn trong dân, ông Nguyễn Thanh Trúc cho rằng: "Cá nhân tôi và nhiều chuyên gia khác cũng nhận định mức lãi suất đó là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, ở nước ngoài, với mức lãi suất gửi vàng chưa đến 1%/năm nhưng người dân vẫn nhiệt tình mang vàng đến gửi. Hơn nữa, việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra để huy động vàng cũng tạo được niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu như Đề án được chấp nhận thì NHNN nên giao lại cho một số ngân hàng uy tín đứng ra huy động".

Văn Chương - Minh Lý


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.