Phấp phỏng chờ... thưởng tết
Trước cơn bão khủng hoảng kinh tế quét qua năm 2012 khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân điêu đứng. Không ít người băn khoăn lo ngại về một cái tết không đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có nơi còn tất tả ngược xuôi để lo trả đủ lương cho nhân viên thì chuyện thưởng tết có lẽ vẫn là một giấc mơ xa vời. Mức thưởng tết càng nóng dần lên khi có sự so sánh giữa các ngành, các khu vực có sự phân biệt rõ ràng. Trong khi, nhiều nhân viên ngân hàng, điện lực,... lo ngại mức thưởng của mình không còn được "khủng" như năm ngoái thì những người lao động trong các ngành như bất động sản hay ở các doanh nghiệp tư nhân lại vô cùng lo ngại vì khả năng "móm" thưởng tết.
Chị Nguyễn Thị Nhung (Quế Võ, Bắc Ninh), là chuyên viên tại một chi nhánh của ngân hàng Techcombank tại Hà Nội cho biết: "Trong kỳ họp 6 tháng đầu năm, lãnh đạo đã thông báo trước rằng, với tình hình kinh tế và kinh doanh như hiện nay, cuối năm cơ quan sẽ không có thưởng tết. Thông báo này đã khiến không ít người lo lắng. Đến thời điểm hiện tại, tôi cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc thưởng tết", chị Nhung lo lắng.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chị Nhung tỏ ra bi quan. Chị giải thích: "Thực ra, năm ngoái trong kỳ họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm, chúng tôi cũng nhận được thông tin cắt thưởng tết vì lúc đó tình hình kinh tế cũng rơi vào khủng hoảng. Nhưng, đến phút chót thì thưởng tết vẫn đạt mức tạm ổn và hầu như ai trong ngân hàng cũng cảm thấy mãn nguyện với mức thưởng của mình".
Mức thưởng tết năm nay được nhiều doanh nghiệp đưa ra thấp hơn năm ngoái.
Nói về mức thưởng cụ thể của đơn vị mình, chị Nguyễn Thị Nhung cho biết: Mức thưởng tết thấp nhất của ngân hàng Techcombank năm ngoái cũng rơi vào khoảng hơn 10 triệu đồng/người. Mức thưởng này thường dành cho những nhân viên mới đi làm tại các chi nhánh nhỏ. Còn đối với những người có "vị trí" thì mức thưởng nhân theo lương tháng, có người lên tới hơn 100 triệu đồng. Mức thưởng dành cho cấp quản lí, tương đương trưởng, phó phòng và cao hơn nữa thường không dưới 200 triệu đồng/người. Mức thưởng được xét tùy theo bình bầu công khai giữa các nhân viên trong chi nhánh và được xét duyệt bởi cấp quản lý và có sự chênh lệch tùy vào hạng được xếp. Riêng tôi, tính đến thời điểm tết năm ngoái, vì đã công tác ở ngân hàng được 3 năm 6 tháng, hoàn thành công việc tốt và xếp hạng A1 nên số tiền thưởng được nhận là 55 triệu đồng. Đây là mức thưởng trung bình với một người làm việc vào loại khá ở ngân hàng Techcombank.
Dự đoán về mức thưởng năm nay, chị Nhung cho biết: "Căn cứ trên tình hình hoạt động thực tế, tôi tin nhân viên vẫn sẽ có thưởng nhưng mức thưởng chắc chắn sẽ không thể cao như năm ngoái".
Ngược lại với chị Nhung, anh Nguyễn Quang Anh hiện làm việc cho một công ty xây dựng có tiếng trên địa bàn Hà Nội cho biết: "Bất động sản năm nay ế ẩm. Tình hình xây dựng bị ngưng trệ. Công ty vừa cắt giảm nhân viên hàng loạt vào đầu tháng 9. Lương công nhân công ty còn phải trì hoãn, vậy thì mong gì đến thưởng tết nữa. Tôi đã xác định rõ tư tưởng với vợ con rồi. Năm nay ăn tết là nhờ vào thưởng tết của vợ". Ngặt một nỗi, vợ anh cũng làm kế toán cho một công ty xây dựng, kinh doanh không được khả quan cho lắm. Hai vợ chồng anh bàn nhau năm nay ăn tết lành mạnh, tiết kiệm để không phải bận tâm về vấn đề thưởng nữa.
Nhiều đại gia cũng... thở dài ngao ngán
Được biết, đến thời điểm hiện nay, tại TP. HCM, mức thưởng tết cao nhất của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là công ty Unilever với 217,3 triệu đồng, xếp thứ hai thuộc về công ty Siamp với 83,9 triệu đồng. Thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX - KCN) TP.HCM (HEPZA) cũng cho biết, có 98 doanh nghiệp (DN) đã báo cáo lương thưởng tết năm 2013. Mức thưởng của DN trong nước cao nhất là 60 triệu đồng thuộc về công ty Nam Phương, cao thứ hai là 55,3 triệu đồng là công ty Quạt Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo của đơn vị này cũng ghi nhận, mức thưởng bình quân tết 2013 theo ngành nghề với ngành may mặc - da giày là 3,4 triệu đồng; điện - điện tử 5 triệu đồng; thực phẩm 2,5 triệu đồng; cơ khí 3,55 triệu đồng/người.
Trao đổi với PV, ông Đặng Đức Cường, phó giám đốc Công ty CPTM Dầu khí An Dương cho biết: "Dù vừa gặp phải một số sự cố trong sản xuất nhưng năm nay công ty vẫn cố gắng để duy trì mức thưởng tết bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Tiền thưởng tết của mỗi nhân viên ít nhất sẽ bằng một tháng lương. Ngoài ra, công ty sẽ cho anh em tạm ứng lương của 1 tháng sau tết và sẽ có khoản thưởng ăn theo thâm niên công tác. Mức thưởng tết trung bình của công ty là 10 triệu đồng/người, trong đó nhóm nhân viên kinh doanh thường có mức thưởng cao nhất".
Liên quan đến vấn đề thưởng tết, PV cũng liên hệ với một số đơn vị bất động sản. Về cơ bản, các doanh nghiệp này đều từ chối bàn luận về thưởng tết và tỏ ra rất bi quan về tình hình kinh doanh cuối năm. Đại diện một công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội thở dài ngao ngán: "Bất động sản năm nay gặp quá nhiều khó khăn nên chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện thưởng tết. Lo tiền vốn để duy trì dự án đã khó thì tiền thưởng ai dám nghĩ đến. Dù sao công ty cũng sẽ cố gắng có một chút quà nhỏ cho anh em ăn tết, gọi là động viên về mặt tinh thần".
Kế toán trưởng của một công ty sản xuất vật liệu xây dựng có trụ sở tại Quảng Ninh cũng cho biết: Mỗi năm công ty sẽ phân loại thưởng tết theo các hạng A-B-C. Như năm ngoái thì mức thưởng của hạng A là 1 triệu đồng nhân với hệ số. Là ngành ăn theo bất động sản nên tình hình kinh doanh năm nay của công ty rất khó khăn. Tiền thưởng của công nhân chắc chắn là thấp hơn năm ngoái. Tại Quảng Ninh, các công ty lớn kinh doanh than hay xuất nhập khẩu thường có lãi rất khủng và vì thế họ có một quỹ thưởng riêng. Tùy theo lãi kinh doanh mà các công ty ấy thưởng nhiều hay thưởng ít".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Toại, phó TGĐ Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết: Chịu chung khó khăn với nên kinh tế, ngành ngân hàng năm vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn. Tùy theo tình hình kinh doanh mà mỗi ngân hàng có quỹ thưởng tết to hay nhỏ. Đến thời điểm này, ngân hàng ACB cũng đã bắt đầu tính toán đến tiền thưởng tết cho nhân viên. Những ai làm tốt thì chắc chắn sẽ được thưởng hậu hĩnh". Không tiết lộ về số tiền cụ thể nhưng vị này cũng cho biết tiền thưởng cho nhân viên ngân hàng ACB năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái.
Theo ông Đặng Quang Điều, viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), tiền lương tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cung - cầu trên thị trường lao động. Vị này cũng khẳng định, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương năm 2013 với mức tăng lên tới trên 25%. Do đó, dù năm 2013 có khó khăn nhưng mức lương của người lao động không thể giảm.
Trao đổi với PV, bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết: "Luật Lao động không có điều lệ nào bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Việc lương, thưởng tết là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý phải làm. Theo thống kê, tính đến thời điểm này thì so với năm ngoái, số doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng tết ít hơn rất nhiều”. Được biết, trước đó Vụ này cũng đã có ý kiến với công đoàn cơ sở tại các địa phương, động viên người lao động tích cực tăng năng suất lao động trong thời gian cuối năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn chi trả lương và dành ra thưởng Tết. |
Dương Thu - Hồng Dương