TTXVN đưa tin, theo một nghiên cứu mới công bố trên trang livescience.com ngày 31/8, vũ trụ có nhiều hành tinh và trong số đó có thể có sự sống mặc dù điều kiện không giống như Trái Đất. Trong nghiên cứu mới này, các chuyên gia trường Đại học Cambridge của Anh xác định có nhiều dạng hành tinh, trong đó có Hycean - lớn gấp 2,5 lần Trái Đất và là các hành tinh đại dương có bầu khí quyển giàu hydro ngoài hệ Mặt Trời.
Nơi đây hứa hẹn là "điểm đến an toàn" cho những loại vi sinh vật tương tự như những loài có thể phát triển mạnh trong một số môi trường khắc nghiệt nhất ở Trái Đất.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, chuyên gia Nikku Madhusudhan, thuộc Viện Thiên văn học tại Đại học Cambridge, các hành tinh Hycean mở ra hướng đi mới cho các nhà khoa học trong việc tìm kiếm sự sống ở ngoài vũ trụ.
Các hành tinh Hycean cũng rất đa dạng. Một số có quỹ đạo gần với các ngôi sao, một số lại có quỹ đạo xa và nhận được rất ít bức xạ của ngôi sao. Nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự sống vẫn có thể tồn tại ngay tại những vùng đại dương khắc nghiệt như vậy.
Theo Tiền phong, đồng tác giả nghiên cứu Anjali Piette, thuộc Viện Thiên văn học của Cambridge, Anh cho biết trong một tuyên bố: “Sẽ thật thú vị khi điều kiện sinh sống có thể tồn tại trên các hành tinh rất khác so với Trái Đất".
Một cuộc săn tìm sự sống ở các hành tinh Hycean có thể sớm bắt đầu. Madhusudhan và các đồng nghiệp của ông kỳ vọng sẽ xác định được một số hành tinh Hycean sau khi Kính viễn vọng Không gian James Webb trị giá 9,8 tỷ USD của NASA được phóng lên không gian vào cuối năm nay.
Những mục tiêu tiềm năng này quay quanh những ngôi sao lùn đỏ nhỏ, mờ ảo, cách Trái Đất từ 35 đến 150 năm ánh sáng.
Quốc Tiệp (t/h)