Mới đây, New York Post đưa tin, nghiên cứu được công bố trên tạp chí mở Viruses đã xem xét hơn một chục loại virus mới được phân lập từ bảy mẫu băng vĩnh cửu từ Siberia cổ đại.
Nghiên cứu được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đây trong thập kỷ trước cho thấy một loại virus – trong một số trường hợp đã tồn tại hàng chục nghìn năm tuổi – đã được các nhà khoa học hồi sinh trong phòng thí nghiệm và kinh dị hơn, chúng bắt đầu lây nhiễm cho các tế bào amip.
Các nhà nghiên cứu từ Pháp, Nga và Đức đã phát hiện ra, thông qua việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của lớp băng vĩnh cửu, rằng các loại virus này đã ở trạng thái không hoạt động trong khoảng từ 27.000 đến 48.500 năm.
Lớp băng vĩnh cửu là một lớp đất đóng băng được tìm thấy rộng rãi trên đất liền và dưới đáy đại dương, đặc biệt là ở những khu vực hiếm khi nhiệt độ tăng trên mức đóng băng. Người ta ước tính rằng khoảng một phần tư của Bắc bán cầu được bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu.
Nghiên cứu đã chỉ ra băng vĩnh cửu là một chất bảo quản tuyệt vời. Nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng khi Trái Đất dần nóng lên và lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các loại virus có khả năng lây nhiễm cho con người sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khả năng những loại “virus zombie" này lây nhiễm cho động vật bậc cao hơn, bao gồm con người, vẫn chưa rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này cho thấy virus "ngủ đông" dưới băng vĩnh cửu khắp thế giới là mối đe dọa có thật cho nhân loại.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một hậu quả khác của việc làm tan lớp băng vĩnh cửu sẽ giải phóng chất hữu cơ bị đóng băng trong một triệu năm, hầu hết chúng phân hủy thành carbon dioxide và metan, làm tăng thêm hiệu ứng khí nhà kính.
Quốc Tiệp (dịch)