Với nhiều "chiêu thức tâm linh" như: lên đồng, làm phép, nhái giọng liệt sỹ, nhái giọng cán bộ, chỉ huy cấp cao (đã mất)... Các "thầy nhập vong" này đã khiến cho hàng ngàn người dân mất ăn, mất ngủ, mất tiền của, hương khói theo hầu với ước muốn mong manh là "thầy" tìm được hài cốt liệt sỹ cho gia đình. Thậm chí, nhiều cơ quan chức năng vì nóng lòng tìm được hài cốt của các chiến sỹ đã hy sinh, vội vàng tin vào các "thầy" nên đã hì hục khai quật nhiều bộ hài cốt liệt sỹ là... đất và xương động vật.
Theo một số tài liệu cho thấy, các căn cứ cách mạng, các đồn, điểm chốt, các trận đánh của bộ đội ta trong các chiến dịch giải phóng Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong hai cuộc kháng chiến chủ yếu nằm trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Thế nên, các "nhà tâm linh" rởm xuất hiện nhan nhản ở đây là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, với nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, các đối tượng này cũng không buông tha, khiến cho từ phố đến thôn ở Đắk Lắk, người dân nhiều phen nhớn nhác.
Không những giả giọng các liệt sỹ mà nhiều "nhà tâm linh" ở Đắk Lắk còn giả giọng "thần tiên" và tự xưng là "thần tiên" nhập vào nhằm lôi kéo và gây hoang mang cho dân chúng. Cách đây không lâu, tại Bến xe phía Nam TP Buôn Ma Thuột bỗng nhiên xuất hiện một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thành (trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột), là giáo viên của một trường tiểu học tự xưng là có khả năng tìm hài cốt liệt sỹ. Bà này hiện là "nhà tâm linh" rất nổi tiếng ở Đắk Lắk. Sau khi xưng danh xong, bà Thành lẩm bẩm khấn vái và chỉ thẳng vào phía trước bến xe nói ở đó có 12 hài cốt liệt sỹ, cần khai quật ngay.
Sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Thành đội phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khai quật. Trước lúc khai quật, bà Thành đổi hẳn giọng nói, tự xưng đang có vong hồn của nhiều liệt sỹ nhập vào người, đồng thời đọc vanh vách tên các liệt sỹ. Theo một số người dân chứng kiến, đứng trước đám đất mà mình khẳng định có 12 hài cốt liệt sỹ, bà Thành bỗng nhảy xổ lên và hét rằng: "Tôi đây! Tôi là liệt sỹ đã chiến đấu oanh liệt ở đây. Hãy đưa tôi về bên đồng đội, tôi không muốn bơ vơ". Sau khi hét lên, bà đọc ra 12 cái tên rất lạ.
Một vụ khai quật hài cốt tại xã Ea Kly, huyện Krông Pắk do thầy Nguyễn Thị Mơ phán và kết quả là con số “0” tròn trĩnh.
Theo ý kiến của một số cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk trực tiếp chứng kiến cuộc nhập vong của bà Thành thì: "Cách nhập hồn của liệt sỹ vào bà Thành rất lạ vì có những việc rất khó giải thích. Ban đầu, bà Thành có nhiều biểu hiện rất thành thạo của một sỹ quan quân đội. Tuy nhiên, cũng có những mâu thuẫn phi lôgic. Khi nhập hồn, bà Thành xưng lúc thế này, lúc thế nọ. Nhiều người chứng kiến cuộc nhập vong của bà Thành đã phải phì cười vì đang nhập hồn của một bộ đội lại tót lên chỉ huy cao cấp, có lúc bà Thành nhập hồn liệt sỹ này nhưng lại gọi hồn liệt sỹ kia một cách ú a ú ớ".
Không chỉ ở thành phố, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk cũng xuất hiện các "thầy tâm linh" rởm làm náo loạn cả vùng quê. Đầu tháng 8-2012, bỗng nhiên ở xã nghèo Ea Ral, huyện Ea H'Leo xuất hiện một phụ nữ không rõ lai lịch tên Bùi Thị Cần tự xưng là "nhà tâm linh", có khả năng nói chuyện với liệt sỹ như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Sau khi khoe danh, bà này đi khắp các thôn, xã quảng cáo khả năng ngoại cảm của mình, nhằm lôi kéo những người dân cả tin. Tiếp đó, bà Cần xông thẳng đến trụ sở UBND xã Ea Ral lên đồng và nói liệt sỹ đang nhập vào bà và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tìm hài cốt liệt sĩ Lê Mạnh Toàn.
UBND xã chỉ dẫn bà lên Phòng LĐ-TB&XH. Sau khi tra cứu kỹ giấy tờ, cơ quan chức năng xác định liệt sĩ Toàn hy sinh năm 1968 tại huyện M'Đrắk chứ không phải ở huyện Ea H'leo như bà nói. Tuy nhiên, bà này vẫn luôn miệng nói: "Ta là liệt sỹ Toàn, ta hy sinh ở Ea H'Leo, địa điểm ghi trong giấy tờ là sai, sai thật đấy. Hãy tìm ta về".
Người nhà liệt sỹ Toàn và nhiều người dân vội vã tin vào bà Cần, đã kéo đến chân núi Cư Rê, xã Ea Ral dựng lều bạt để tìm hài cốt liệt sỹ Toàn. Đến đây, bà Cần thắp hương nghi ngút, nói: "Tôi là liệt sỹ Toàn đây, hãy đưa tôi về bên đồng đội đi". Sau đó, dừng lại một lúc, bà này tiếp tục "nói chuyện với người chết" và chỉ tay vào một tảng đá lớn nói: "Có 3 bộ hài cốt nằm sâu dưới tảng đá 4m kia. Ngoài ra, còn có một số vật dụng khác như súng AK, 3 viên đạn, một súng lục... hãy tìm ngay đi". Sau hơn một ngày "chỉ huy" các thân nhân liệt sỹ và người cả tin đào bới, "thầy" Cần nhảy lên một hồi và chỉ vào 3 mẫu xương yêu cầu người nhà liệt sỹ mua 3 cái quách để cải táng.
Ngay trong đêm đó, "tin sái cổ" "thầy" Cần, đoàn người nhà liệt sỹ mang 3 túi nilon đựng 3 mẫu xương, phủ cờ Tổ quốc, rồi lập bàn thờ cúng bái lầm rầm suốt đêm. Bên 3 mẫu xương, bà Cần tiếp tục nói chuyện với liệt sỹ khiến cho hàng trăm người đi đường và người dân địa phương đến thắp hương, đặt tiền cúng cho... "thầy" Cần. Cùng với Ea H'Leo, ở huyện nghèo Ea Kar, Ea Súp còn xuất hiện một "thầy tâm linh" khác tên Nguyễn Thị Mơ. Mới đây, bà này còn kéo theo một đoàn người nói là nhân thân của liệt sỹ đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đòi chuyển một hài cốt liệt sỹ ở huyện Ea Kar về Hà Nội. Bị Sở từ chối, bà này lên đồng, gọi hồn và ngồi "nói chuyện với liệt sỹ" suốt một buổi.
Khi lực lượng Công an tỉnh đến yêu cầu kiểm tra ADN của thân nhân liệt sỹ thì cả thân nhân và "thầy tâm linh" đều vội vã bỏ đi. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, Sở nhận được rất nhiều phản ánh rằng, một số người tự xưng là "nhà ngoại cảm", đồng đội cũ đi tìm mộ liệt sĩ đến nhũng nhiễu. Một mặt họ đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ủng hộ tiền và phương tiện tìm kiếm. Mặt khác, họ lôi kéo nhân dân tin vào họ để bỏ tiền của theo họ tìm hài cốt làm náo loạn các vùng quê. Có nhiều trường hợp "nhà ngoại cảm" ở tận Hà Nội gọi điện thoại cho các thân nhân liệt sỹ nói họ đã nhập được hồn liệt sỹ khiến cho người dân hoang mang và rất dễ bị lôi kéo theo
Văn Thành (CAND)