Việt Nam
Đối với mỗi người Việt, dù có đi đâu làm gì thì vào ngày Tết, người Việt cũng trở về quê cha đất tổ, thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ và cùng gia đình đón một mùa xuân mới an khang, thịnh vượng. Sau cả một năm làm việc bận rộn, Tết là dịp để mọi người cùng ngồi quây quần bên nhau.
Theo quan niệm từ lâu đời, Tết là những ngày mở đầu của một năm mới nên mọi người thường dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, chuẩn bị cành đào, cây quất, mua sắm đồ mới để lấy may. Nhiều gia đình gói bánh chưng, bánh tét và làm nhiều món ăn đặc trưng khác. Có những gia đình còn kỳ công làm cây nêu treo trên mái nhà để xua đuổi ma quỷ.
Nhiều gia đình có truyền thống cúng đêm giao thừa đúng thời điểm bắt đầu màn pháo hoa đón chào năm mới. Sau đó, mọi người sẽ đi chùa đầu năm để cầu may mắn, suôn sẻ trong suốt năm tới. Các hoạt động thường diễn ra vào dịp Tết là đi du xuân, lễ chùa, hái lộc, xông đất đầu năm… Trẻ con thường được người lớn lì xì những phong bao đỏ với hàm ý chúc mọi điều may mắn trong năm mới.
Món ăn truyền thống đem lại may mắn cho người Việt trong ngày Tết chính là bánh chưng. Đây là loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên hay trên mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình Việt. Gói bánh chứng không chỉ là truyền thống mà còn là dịp để gắn kết mọi người trong gia đình. Ở miền Trung và miền Nam người dân còn gói bánh tét - nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình trụ tròn. Vào những ngày cận Tết, những người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét và hàn huyên ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ.
Trung Quốc
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ ngày 8-12 âm lịch, mọi người dân Trung Quốc trên khắp thế giới đổ về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình, quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới. Tết Nguyên đán của họ được kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu).
Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Trung Quốc vào dịp Tết ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng, của câu đối, của sắc áo truyền thống, của những phong bao lì xì… Người Trung Quốc vẫn hay mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho tài lộc. Mỗi năm trong lịch lại tương ứng với một con vật, nên người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.
Trên mâm cỗ của người Trung Quốc có sủi cảo, hoành thành, mì, bánh trôi nước... - những món ăn này không chỉ ngon miệng mà người Trung luôn qua niệm thưởng thức những món này vào ngày Tết gia đình đón được thêm nhiều niềm vui trong năm mới. Trong tiếng Hán, sủi cảo có bộ "giao" mang ý nghĩa thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, ăn bánh hoành thánh mang ý nghĩa là đầu tiên, còn ăn mì có nghĩa là trường thọ.
Sủi cảo và cá được xem như "lá bùa" mang đến sự may mắn và thịnh vượng. Từ "cá" phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ "dư" trong "dư thừa". Trong khi món bánh sủi cảo có hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại tài lộc cho cả năm.
Singapore
Cùng ăn Tết giống như ở Việt Nam, tại Singapore, vào những ngày Tết thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.
Sôi động và nhiều người tham gia nhất chính là Lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.
Tên gọi Chingay theo tiếng Trung có nghĩa là "nghệ thuật trang phục và hoá trang". Đây là hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.
Tại Singapore, ngoài truyền thống lì xì cho người già và trẻ em, cha mẹ và những người thân đã lập gia đình thường tặng tiền lì xì đựng trong bao đỏ cho người thân chưa lập gia đình vào dịp Tết Âm lịch. Phong tục này được xem là một cách cầu chúc may mắn sẽ đến với những người độc thân.
Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh Tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ tết của người Singapore còn có những món ăn khác như Yu Sheng (cá sống), thường được dùng làm món khai vị để mang đến sự may mắn, giàu sang. Yu Sheng làm từ cá hồi tươi kết hợp với các loại trái cây, rau củ.
Hàn Quốc
Ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1-1 âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.
Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Tiếp sau đó là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó lại được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.
Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong ngày tết của người Hàn Quốc. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món. Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của xứ kim chi chính là canh bánh gạo (Tteokguk). Món ăn được chế biến với thành phần bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa. Mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau thưởng thức canh để cầu mong có sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới. Người dân Hàn Quốc có thói quen hỏi nhau đã ăn được bao nhiêu bát canh bánh gạo bởi họ quan niệm ăn bao nhiêu bát thì sẽ lớn thêm bấy nhiêu tuổi.
Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.
Mông Cổ
Lễ hội mừng năm mới của người Mông Cổ có tên là Tsagaan Sar, mang nghĩa “Bạch Nguyệt”, hay còn gọi là lễ hội Trăng màu trắng. Tsagaan Sar diễn ra trùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Trước khi năm mới sang, người dân nước này có thói quen trả hết sạch nợ nần, giải quyết tất cả mâu thuẫn, ân oán.
Phong tuc le Tet da dang tai cac quoc gia chau A hinh anh 10 guh1463068534.jpg
Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Mông Cổ thức dậy trước bình mình, diện trang phục truyền thống và xuất hành theo hướng cung hoàng đạo tương ứng của năm. Đàn ông leo lên ngọn núi gần nhất để ngắm mặt trời mọc, còn phụ nữ pha trà, sữa kính dâng lên trời đất.
Triều Tiên
Trong quá khứ, đã có một thời gian dài người dân Triều Tiên không đón Tết âm lịch kể từ sau khi Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập. Tuy nhiên vào năm 1989, Tết Nguyên Đán và các phong tục cổ truyền xưa của đất nước này được phục hồi. Tết truyền thống dần trở lại đúng vị trí dù đất nước này vẫn còn trong tình trạng khó khăn về kinh tế do cấm vận.
Tết của người dân Triều Tiên chỉ kéo dài 2 – 3 ngày, gọi là Seol với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc.
Cũng như nhiều người dân tại một số nước châu Á, người Triều Tiên đón tết âm lịch với những phong tục truyền thống độc đáo, mang đậm không khí đoàn viên gia đình. Trong ngày đầu năm mới, các thành viên gia đình ở Triều Tiên diện những bộ hanbok truyền thống đẹp nhất quây quần để đón tết.
Với người dân Triều Tiên, ông bà, người lớn tuổi trong nhà ngồi ở chỗ trang trọng nhất, trong khi con cháu thực hiện nghi lễ quỳ lạy trang trọng gọi là "sebae". Còn trẻ em cũng sẽ được mừng tuổi và mọi người cùng trao cho nhau những lời chúc tết tốt đẹp nhất. Món quà tết phổ biến nhất ở Triều Tiên là lịch năm mới.
Sau đó, mọi người cùng nhau dùng món canh bánh gạo tteokguk truyền thống và canh thịt lợn nóng dùng cùng cơm trắng trong bữa ăn tân niên. Một số gia đình tới nhà hàng dùng bữa trong ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Bia Taedonggang và Soju là đồ uống yêu thích của người dân trong dịp năm mới.
Một tục lệ khác khá thú vị của người Triều Tiên là nhà nhà đều chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái không may của năm cũ cũng như đón chào một năm mới may mắn và tốt đẹp hơn.
Nhật Bản
Năm 1873, chính phủ Nhật Bản tuyên bố áp dụng Tết Dương lịch thay cho Tết Âm lịch. Tuy nhiên, các nghi lễ cổ truyền vẫn được giữ nguyên. Lễ mừng năm mới tại đất nước mặt trời mọc là sự hòa trộn giữa hai yếu tố Đông - Tây.
Theo truyền thống, người Nhật sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa trước Tết, sum họp bên người thân, gia đình, tổ chức tiệc mừng, ngắm mặt trời mọc trong ngày đầu năm và đi lễ ở các đền chùa. Khi đồng hồ điểm sang năm mới, các ngôi chùa lần lượt rung 108 tiếng chuông, tượng trưng cho 108 dục vọng trần tục được xóa bỏ. Mì trường thọ Toshikoshi Soba là món ăn đặc trưng được người Nhật thưởng thức vào đêm Giao thừa.
T.D (t/h)