Năm ngoái, châu Âu ghi nhận một mùa hè nắng nóng kỷ lục. Năm nay, các chuyên gia khí tượng tiếp tục cảnh báo về sự nắng nóng này.
Cách đây ít ngày, Thủ đô London của Anh đã trải qua ngày có nhiệt độ cao nhất từ đầu năm nay. Nhiệt độ trên 30 độ khiến người dân đổ xô ra bãi biển nhân tạo bên bờ sông Thames.
Chị Alice Mulvihill, người dân Anh cho biết: "Trời hôm nay rất nóng. Nóng đến mức bạn không nghĩ rằng mình đang ở Anh. Ngay từ sáng sớm lúc thức dậy và bước ra ban công, tôi đã cảm thấy nóng nực".
Cơ quan An ninh Y tế Anh đã đặt cảnh báo mức "vàng đậm" về những nguy cơ đe dọa sức khỏe do nắng nóng, áp dụng tới 9h sáng 12/6 ở nhiều vùng.
Tại Thủ đô Berlin, Đức, dòng người đổ tới các công viên và bãi biển để tắm nắng và thư giãn. Nắng ấm khiến ai cũng trong tâm trạng vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Đường phố, hàng quán và các công viên cũng trở nên tấp nập hơn. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận thức được những tác hại của thời tiết khô nóng, với nhiệt độ dự kiến sẽ còn tăng cao vượt ngưỡng 30 độ C.
Bà Sabine Mueller, người dân Berlin, Đức cho biết: "Mọi người đổ tới các quán cà phê, quán bar. Bạn có cảm giác rằng thành phố đang trở nên sôi động hơn. Nhưng mặt khác, cũng thể cảm nhận được thời tiết khô hanh đến mức nào, cây cối đã bắt đầu rụng lá và thời tiết quá khô. Điều này không tốt chút nào".
Cơ quan Dịch vụ thời tiết Đức dự đoán, nhiệt độ sẽ duy trì ở mức quá cao trong suốt mùa hè này, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng.
Ông Andreas Friedrich, phát ngôn viên Cơ quan Dịch vụ thời tiết Đức (DWD) nói: "Hiện đang là cao điểm mùa hè ở Đức với nhiệt độ hơn 30 độ C, dự đoán nhiệt độ có thể lên tới 32 độ, đặc biệt là ở khu vực phía tây nước Đức, dọc theo sông Rhine. Và tất nhiên, ở một số nơi sẽ tiếp tục rất khô hạn, điều này có nghĩa là sẽ có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và hạn hán".
Theo Cơ quan Dịch vụ thời tiết Đức, mực nước tại các con sông tại Đức dự kiến sẽ giảm, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Ngoài ra, nhiệt độ cao đầu mùa hè cũng có thể gây hại đến sức khỏe của người dân.
Không chỉ riêng Đức, một số nước châu Âu như Tây Ban Nha và Pháp cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ trong nhiều thập kỷ, một phần nguyên nhân là do sự trở lại của hiện tượng El Nino, kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Trong khi đó, tại châu Á, hàng loạt quốc gia cũng đã bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây. Các nhà khoa học cho biết, đây là sự kiện "200 năm mới có một lần" và "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Cụ thể, nhiệt độ kỷ lục lên tới 45 độ C đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Singapore, Trung Quốc...
Reuters cho biết, Indonesia đang gồng mình chống cháy rừng, mất mùa do mùa khô khắc nghiệt. Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý của Indonesia cho biết, tác động của El Nino đang đe dọa mùa màng và làm tăng nguy cơ cháy rừng. Theo bà Karnawati, El Nino sẽ gây ra hạn hán nghiêm trọng trên các đảo chính của Indonesia, với một số đảo khả năng không có mưa hoặc chỉ có 30% lượng mưa thông thường.
Tương tự, Malaysia đang phải đối phó với đợt nắng nóng trong những tháng gần đây, được dự báo sẽ trải qua các hiện tượng El Nino từ tháng 6 trở đi, Nik Nazmi Nik Ahmad, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu nước này thông báo.
Tác động của nhiệt độ cao sẽ khác nhau tùy từng khu vực. El Nino được dự báo sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ và gạo ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan; làm giảm sản lượng lúa mì tại Australia. Còn tại Việt Nam, nhà sản xuất thủy điện lớn thứ 9 toàn cầu, đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng kéo dài và đã chứng kiến sản lượng giảm.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Hà Nội mới)