Cuối tuần vừa qua, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G20 đã thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu và thống nhất quy tắc áp thuế mới đối với các tập đoàn đa quốc gia. Đây là một trong những nỗ lực của các nước nhằm mục đích “đặt dấu chấm hết” cho sự tồn tại của các thiên đường trốn thuế trong bối cảnh lợi nhuận của một số doanh nghiệp đa quốc gia đang tăng vọt.
Trước đó, các bộ trưởng tài chính G20 vào tháng 7 năm nay đã trao đổi về mức thuế tối thiểu 15%. Sau đó, đến tháng 10 năm nay, thỏa thuận một lần nữa được hoàn thiện với tên gọi chính thức là "Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế", do OECD làm trung gian đàm phán. Hai trụ cột trong thỏa thuận: thứ nhất là thuế suất doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%; và thứ hai, các công ty “toàn cầu” (global firms) có lợi nhuận biên ít nhất 10% sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh thay vì ở quốc gia mà họ đặt trụ sở) đối với phần lợi nhuận cao hơn mức 10%.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome cuối tuần vừa qua được Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Yellen ca ngợi là mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
Bà Yellen tuyên bố: "Tất cả nguyên thủ quốc gia G20 đều tán thành một thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thuế quốc tế mới, trong đó có mức thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp”. Thỏa thuận này được cho là chấm dứt cuộc "chạy đua xuống đáy" đã diễn ra nhiều thập kỷ, trong đó các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế, khiến ngân khố thất thu hàng trăm tỷ USD. Việc bù đắp khoản thất thu này hiện nay rất cấp thiết để các nước trang trải những khoản chi lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Tuy thỏa thuận không phù hợp với lời kêu gọi ban đầu của Tổng thống Joe Biden là mức thuế tối thiểu 21%, nhưng ông đã viết trên twitter để thể hiện sự hài lòng về kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20: "Tại đây, các nhà lãnh đạo đại diện cho 80% GDP của thế giới - bao gồm cả các đồng minh và đối thủ cạnh tranh của Mỹ - đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ về một mức thuế tối thiểu toàn cầu”. “Đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế, mà đó còn là chính sách ngoại giao giúp định hình lại nền kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân toàn cầu”. Việc Mỹ chấp nhận thỏa thuận thuế mới có ý nghĩa then chốt và rất quan trọng vì rất nhiều công ty đa quốc gia đặt trụ sở chính tại nước này.
Trả lời phỏng vấn giữa hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Đã có những điều tốt đẹp được chia sẻ tại đây. Cộng đồng thế giới đã đồng ý về mức thuế tối thiểu đối với các công ty. Đó là một tín hiệu lạc quan về công lý trong thời đại số hóa”.
Ông Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhận định về thỏa thuận đạt được ở Rome là “sẽ làm cho thuế quốc tế trở nên công bằng hơn và hoạt động hiệu quả hơn trong nền kinh tế số hóa và toàn cầu hóa hiện nay”. Việc quy định mức đóng thuế tối thiểu sẽ “loại bỏ hoàn toàn động cơ để các doanh nghiệp tái cơ cấu nhằm trốn thuế”.
Các quan chức Nhà Trắng ước tính việc áp dụng mức thuế mới sẽ tạo ra thêm ít nhất 60 tỷ USD doanh thu mỗi năm ở Mỹ - một dòng tiền có thể giúp thanh toán một phần cho gói tài chính cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội trị giá gần 3000 tỷ USD mà Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy.
Bên cạnh những trao đổi về thỏa thuận thuận quốc tế, các vấn đề quan trọng đối về sự công bằng toàn cầu cũng được đưa lên bàn thảo luận tại Hội nghị G20 như kêu gọi hỗ trợ tăng tốc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các nước nghèo và cam kết chung về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những người đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm lượng khí thải để chống biến đổi khí hậu, đã tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Rome theo hình thức trực tuyến từ xa.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC, AP)