Giám sát viên LHQ tại Syria. Ảnh: Guardian
Sau vụ thảm sát làm 86 dân thường thiệt mạng gây chấn động, tình hình an ninh tại Syria tiếp tục chìm trong hỗn loạn. Những giải pháp cứng rắn nhằm vãn hồi tình hình đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn. Tuy nhiên, Nga, trong động thái mới nhất của mình đã khẳng định sẽ phản đối đến cùng mọi hoạt động quân sự nhắm vào đất nước hồi giáo này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, vấn đề can thiệp nước ngoài vào Syria đang bị áp đặt một cách quá cơ bản và cảm tính, rằng các cường quốc bên ngoài đang khiến phe đối lập có vũ trang trong nước hy vọng vào một kịch bản Libya sẽ tái diễn. “Tất cả điều này là một trò chơi thật nguy hiểm”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẽ không đồng ý việc can thiệp quân sự được thông qua tại Hội đồng Bảo an. Nó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ vùng Trung Đông”.
Ngoại trưởng Nga cho biết, việc can dự của các lực lượng bên ngoài có thể dẫn đến một kịch bản đầy thảm họa, tạo nên một vòng cung bất ổn từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh. Cả Nga và Trung Quốc vẫn phản đối các nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án Chính phủ Syria về tình trạng bạo lực tiếp diễn. Ông Lavrov thừa nhận, kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan đang lung lay nghiêm trọng, nhưng Nga không thấy một sự chọn lựa tốt hơn.
Cho đến giây phút cuối cùng, Matxcơva vẫn phản đối các cuộc kêu gọi do Mỹ dẫn đầu nhằm ép Tổng thống Assad từ chức, cũng không phản đối sự ra đi của Assad, nhưng phải theo cách của người dân Syria. “Nếu họ muốn Tổng thống ra đi, chúng tôi sẽ vui vẻ ủng hộ giải pháp này”, Ngoại trưởng Nga nói.
Nhưng ông Lavrov cũng nhận định, không thể chấp nhận cách áp đặt các điều kiện cho một cuộc đối thoại như vậy từ bên ngoài. Do đó, Matxcơva kêu gọi một hội nghị quốc tế tại Syria với sự có mặt của Iran, một đồng minh của Damscus.
Trong khi đó, Mỹ luôn cáo buộc Tehran trang bị vũ khí cho các lực lượng Chính phủ Syria. Hội đồng quốc gia (SNC) thì nhiều lần lên tiếng nghi ngờ việc mời Iran vào các cuộc đàm phán. Theo phóng viên BBC tại Matxcơva, Nga dường như ngày càng lo lắng hơn đến vấn đề Trung Đông và thấy cộng động quốc tế quan tâm chưa thỏa đáng. Hiện Liên hợp quốc đang điều tra vụ thảm sát bị cáo buộc xảy ra tại Qubair. Các nhà hoạt động nhân quyền đổ lỗi cho lực lượng thân Tổng thống, còn chính phủ thì kết án các đối tượng khủng bố đã giết hại dân thường.
Từ Matxcơva, ngoại trưởng Nga, ông Lavrov tiếp tục kêu gọi một hội nghị quốc tế để thực hiện kế hoạch hòa bình của đặc phái viên, cựu tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. Ngoại trưởng Nga cho biết, Matxcơva sẽ ủng hộ sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng chỉ khi người dân Syria cũng đồng ý với phương án đó. Tại đất nước này, Bashar al-Assad là người có quyền lực gần như tuyệt đối, theo hiến pháp 1973, ông có thể chỉ định Thủ tướng và nội các mà không cần bất kỳ sự phê chuẩn nào từ quốc hội. Ở phía đối lập, để chuẩn bị cho một sự thay chuyển, Hội đồng Quốc gia Syria (SNC, tổ chức lưu vong) đã bầu một nhà hoạt động chính trị người Kurd làm chủ tịch mới trong phiên họp mới đây diễn ra ở Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) và kêu gọi các nhóm đối lập khác cùng chung chí hướng với họ. |
Thùy Dung