"Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam"
Tour du lịch đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Hoàng Sa của Việt Nam đã bắt đầu từ hôm 28/4, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam. Ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo nhận định của các chuyên gia về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hành động này của Trung Quốc đã vi phạm DOC, không tuân theo Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm DOC, gây căng thẳng, phức tạp tình hình ở biển Đông.
Tàu Coconut Princess chở du khách Trung Quốc đi tham quan.
Tờ The Globe and Mail của Canada đưa tin, mặc dù phía Trung Quốc khẳng định chuyến du lịch đưa khách du lịch ra biển Đông hết sức bình thường, du khách chỉ tắm nắng trên một hòn đảo thuộc Biển Đông và tham quan Hoàng Sa, nhưng đây lại là một hành động "xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam". Tờ này cũng cho hay, tour du lịch này của Trung Quốc được Bắc Kinh khuyến khích và giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi, như vậy càng khẳng định mong muốn "khẳng định chủ quyền" của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc như một cách gây hấn với các nước trong khu vực, gây quan ngại sâu rộng tại phần lớn các nước châu Á.
Theo Hãng Thông tấn AFP của Pháp, kế hoạch đưa du khách đến thăm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thực chất nằm trong kế hoạch mở rộng vùng lãnh thổ của Trung Quốc, gây phẫn nộ cho Việt Nam, nước có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ xưa đến nay, và là sự việc nhận được sự quan tâm của nhiều nước.
Trước phản ứng này của nhiều nước, tờ Shanghai Morning Post đã đưa tin, trong chuyến du lịch đầu tiên ra các đảo thuộc Biển Đông của Trung Quốc, số lượng du khách là 240 người và chỉ có 100 người là thường dân. Số còn lại là những cán bộ công chức thuộc nhiều cơ quan bộ, sở khác nhau của tỉnh Hải Nam và "được tuyển chọn rất kỹ".
Báo giới đặt ra câu hỏi: "Tại sao đa số "khách du lịch" lại là các quan chức? Tại sao lại có sự chênh lệch lớn giữa mức phí mà người dân thường và quan chức Trung Quốc phải trả để du lịch (phi pháp) đến Hoàng Sa? Phải chăng việc triển khai tour du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là một giai đoạn mới nhất trong kế hoạch tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc?". Theo giải thích của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, việc Trung Quốc đưa du khách tới đó nằm trong khuôn khổ kế hoạch lâu dài của Trung Quốc nhằm "phát triển quần đảo Hoàng Sa". Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, hành động này của Trung Quốc có lẽ để củng cố quyền kiểm soát thực tế của nước này tại đây.
Giáo sư Carl Thayer.
Chứng cứ không thể tranh cãi
Chuyên gia Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Australia nhận định, kế hoạch "phát triển quần đảo Hoàng Sa" của Trung Quốc đã thể hiện rõ việc Trung Quốc đang khẳng định quyền kiểm soát hành chính trên các đảo này. Trong khi đó, theo luật quốc tế, các đảo này thuộc nước Việt Nam. Cũng theo giáo sư Thayer, động thái này của Trung Quốc có thể đặt vào bối cảnh Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự trên khu vực Biển Đông, bắn pháo sáng vào các tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ hành động này được coi là một phần của kế hoạch "phát triển quần đảo đó", chưa thể khẳng định nó có liên hệ với một hành động quân sự. Bởi vậy, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong việc chứng minh và khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Ngày 29/4, thành phố Đà Nẵng khai mạc một cuộc triển lãm, trưng bày những chứng cứ lịch sử và chính trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Các chứng cứ được mang ra trưng bày có nhiều tài liệu có giá trị, gồm cả các bài viết, hình ảnh, và các tài liệu nghe nhìn liên quan tới các quần đảo trong Biển Đông. Trong số này có 30 bản đồ được xuất bản bởi các nước: Anh, Đức, Australia, Canada, Hoa Kỳ và Hong Kong từ năm 1662 tới 1980. Tất cả các bản đồ đó đều khẳng định, điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Việt Nam. Các chứng cứ lịch sử thu hút được nhiều sự chú ý là những sách địa lý của Trung Quốc xuất bản từ thời nhà Thanh gồm các bản đồ địa lý năm 1908, các bản đồ bưu chính và bản đồ tỉnh của Trung Quốc xuất bản năm 1933 và năm 1919; Bản đồ Tỉnh của Trung Quốc do Nhà xuất bản Thượng Hải xuất bản năm 1904. Những chứng cứ này là minh chứng hùng hồn nhất cho việc Việt Nam có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không một nước nào có thể phủ nhận hay tranh cãi.
Những động thái liên quan Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên khu vực Biển Đông không chỉ Việt Nam lên tiếng phản đối. Mới đây, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia cũng đã lên tiếng về những hành động Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ của họ, mà các nước này nói nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc. Nhật Bản và Trung Quốc vẫn trong tình trạng căng thẳng liên quan tới vụ tranh chấp dài ngày về chủ quyền của năm hòn đảo trong Biển Hoa Ðông. Tám tàu hải giám của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay quân sự, đã tiến vào vùng biển nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản trong nỗ lực ngăn chặn một đoàn tàu của Nhật Bản, không cho cập bến các đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. |
An Mai (tổng hợp)