Thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, việc tiếp cận với các luồng thông tin đa chiều với người Việt ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng thông tin sai sự thật cũng dễ dàng được lan truyền, gây hậu quả không nhỏ đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Những vụ đưa thông tin sai sự thật lên Facebook như “dàn siêu xe gắn biển xanh của Cần Thơ” được xác minh là "siêu xe đồ chơi", một trò đùa của dân mạng. Không chỉ mạo danh các tổ chức, một số đối tượng còn mạo danh cá nhân, lãnh đạo cơ quan Đảng và Nhà nước đưa ra những thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín lãnh đạo và các cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, cũng thể hiện sự trăn trở về vấn đề này. Theo Bộ trưởng thì hiện nay không chỉ nước ta mà ngay cả thế giới cũng rất “đau đầu” về vấn đề thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội cao trên thế giới. Nếu ví mạng xã hội như một con đường, thì lẽ dĩ nhiên trên đường đi sẽ có người tốt, người xấu và đương nhiên sẽ sử dụng mạng xã hội vào các mục đích khác nhau. Thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt, khắp công sở, đường phố, mọi ngõ ngách đời sống xã hội, tin xấu sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội.
Về giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế (đã ban hành Thông tư 38), đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để 'lấy cái đẹp, dẹp cái xấu'; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân); đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Được biết, liên quan vấn đề này, thời gian qua, bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu độc trên kênh Youtube. Sắp tới, Bộ cũng sẽ phối hợp với Facebook gỡ bỏ những trang giả mạo. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Mới đây, facebook đã chính thức công bố sẽ thêm một hộp thông tin mới nằm ở trên News Feed của người dùng tại 14 quốc gia. Hộp thông tin này sẽ có nhiệm vụ đưa ra các lời khuyên hữu ích giúp người dùng có thể phát hiện các thông tin sai lệch, giả mạo. Đây không phải là một tính năng được bổ sung vĩnh viễn trong facebook, một số hộp thông tin sẽ tự mất đi sau vài ngày.
Nếu người dùng nhấp vào Learn More trong hộp tùy chọn này, họ sẽ được chuyển hướng tới một bài viết trên trang Help Center (Trung tâm trợ giúp) của facebook, nơi sẽ cung cấp 10 mẹo giúp phát hiện tin tức giả mạo, sai lệch. Một trong số các cách khuyên người dùng cần điều tra lại nguồn thông tin, hoặc trang web đó có phổ thông và được nhiều người biết đến không.
Đây được coi như mở màn cho chiến dịch tuyên chiến với nạn tin giả mạo, sai lệch trên facebook trong thời gian qua. Trước đó, Đức vừa thông qua một dự luật mới khá mạnh tay khi sẽ xử phạt Facebook lên tới 50 triệu EUR (khoảng 52 triệu USD) nếu họ không xóa toàn bộ các tin tức giả mạo sớm.
Ngay cả tên tuổi lớn như Facebook, Google cũng không tránh được “sao quả tạ” vì những thông tin giả mạo. Đơn cử, ngay cả như Google cũng đã tự bảo vệ mình bằng những biện pháp quyết liệt, đánh trực diện vào nguồn tài chính của nhiều trang tin tức giả mạo. Google đã “trang bị” thêm tính năng Fact Check, một tính năng cho phép kiểm duyệt các nội dung tìm kiếm trên Google thông qua các tổ chức kiểm tra độc lập PolitiFact và Snopes. Như vậy các thông tin tìm kiếm sẽ tiếp tục trải qua thêm một lần sàng lọc trước khi đến với người đọc.
Đ.Huệ