Với nỗ lực phi thường nhằm ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng và trấn an thế giới rằng hệ thống tài chính của Mỹ vẫn duy trì ổn định, 11 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ hôm 16/3 đã cùng nhau bơm 30 tỷ USD vào Ngân hàng First Republic, một ngân hàng nhỏ hơn đang trên bờ vực sụp đổ sau vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tuần trước.
Rắc rối của First Republic đã bắt đầu khoảng một tuần trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon lung lay. First Republic thu hút sự giám sát đặc biệt từ các nhà đầu tư vì ngân hàng này phục vụ nhiều khách hàng giàu có, và tiền gửi của họ không được bảo hiểm trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nêu ý tưởng kêu gọi sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào nỗ lực giải cứu First Republic hôm 14/3, trong một cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon.
Bà Yellen tin rằng động thái như vậy của khu vực tư nhân sẽ củng cố niềm tin vào sự ổn định của các ngân hàng. Trong 48 giờ, thỏa thuận đã được thực hiện. Mỗi ngân hàng được yêu cầu gửi ít nhất 1 tỷ USD vào First Republic.
Ngân hàng trung ương Mỹ (BoA), Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ gửi mỗi ngân hàng khoảng 5 tỷ USD; Goldman Sachs và Morgan Stanley gửi khoảng 2,5 tỷ USD; còn các ngân hàng PNC, US Bancorp; State Street và Bank of New York Mellon gửi khoảng 1 tỷ USD vào First Republic.
Thỏa thuận này chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ và là dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn của ngành ngân hàng đã trở nên nghiêm trọng như thế nào trong vòng một tuần. Với dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đã gây ra một cơn hoảng loạn dường như khó có thể lắng xuống ngay lập tức.
“Động thái này của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào First Republic và các ngân hàng thuộc mọi quy mô, đồng thời thể hiện cam kết chung của họ trong việc giúp các ngân hàng phục vụ khách hàng và cộng đồng của họ”, nhóm các ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố.
Theo một thông báo từ First Republic, các khoản tiền này sẽ được gửi lại ở lại ngân hàng này trong ít nhất 120 ngày.
Chủ tịch điều hành của First Republic Jim Herbert và Giám đốc điều hành Mike Roffler cho biết trong một tuyên bố rằng “chúng tôi muốn chia sẻ sự đánh giá cao sâu sắc của mình” đối với 11 ngân hàng.
“Sự hỗ trợ này của một nhóm các ngân hàng lớn rất được hoan nghênh và thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng,” Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ cho biết trong một tuyên bố chung.
Tin tức về sự chung tay của các “ông lớn” Phố Wall được đưa ra sau khi cổ phiếu của First Republic lao dốc trong những ngày gần đây, theo sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature vào tuần trước.
Cả hai ngân hàng này đều có số lượng tiền gửi không được bảo hiểm cao, và First Republic cũng vậy. Do đó, First Republic lo ngại rằng khách hàng sẽ nhanh chóng rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng. Các khoản tiền gửi mới từ các ngân hàng lớn cũng không được bảo hiểm.
Cổ phiếu của First Republic, đóng cửa ở mức 115 USD/cổ phiếu vào ngày 8/3, nhưng đã giảm xuống còn dưới 20 USD/cổ phiếu tại một thời điểm hôm 16/3. Cổ phiếu này liên tục bị chững lại và tăng gần 10% trong ngày, đóng cửa ở mức 34,27 USD/cổ phiếu.
Hôm 12/3, First Republic cho biết họ có hơn 70 tỷ USD thanh khoản khả dụng. Con số này giảm xuống còn khoảng 34 tỷ USD tính đến ngày 15/3, chưa tính 30 tỷ USD tiền gửi mới.
First Republic đã vay hàng chục tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng cho vay mua nhà Liên bang trong tuần qua, nhưng dòng tiền gửi hàng ngày hiện đã “chậm lại đáng kể”, ngân hàng này cho biết.
First Republic thường phục vụ cho các khách hàng và công ty cao cấp. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bao gồm quản lý tài sản và cho vay bất động sản nhà ở. Công ty báo cáo tài sản trị giá hơn 212 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022 và tạo ra hơn 1,6 tỷ USD thu nhập ròng vào năm 2022.
Nguyễn Tuyết (Theo CNCB, NY Times, Fortune)