Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em.
Theo đó, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vắc-xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vắc-xin đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Trong khi đó, khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM chỉ ra, hơn 92% phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Sau quá trình chuẩn bị, dự kiến ngày 27/10, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sẽ được thực hiện tại huyện Củ Chi và Quận 1 trước khi triển khai trên phạm vi toàn Thành phố.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề phụ huynh đang băn khoăn, lo lắng là những phản ứng bất lợi có thể xảy ra với trẻ. “Vắc-xin Covid-19 đã chích ở người lớn rất thành công nhưng ở trẻ thì đây là lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi chưa có nhiều thông tin về hoạt động chích ngừa của trẻ em tại các nước khác nên có phần lo lắng nhất định nhưng vẫn hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ khi Thành phố sử dụng vắc-xin Pfizer để chích ngừa cho con mình”, chị Phan Bích Thủy, ngụ quận 1, Tp.HCM có con trai 16 tuổi chuẩn bị tham gia chích ngừa Covid-19, chia sẻ với Tiền Phong.
Trước băn khoăn này, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, phân tích, phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các loại vắc-xin, hầu hết ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, hiếm khi có phản ứng mức độ nặng.
Trong đó, phản ứng mức độ nhẹ chỉ khu trú ngay tại vị trí tiêm, ví dụ tiêm ở bắp tay hoặc bắp chân. Khi gặp phản ứng này, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ sau tiêm và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt. Theo bác sĩ Nam, đây là những phản ứng nhẹ, thông thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM - Cơ sở 3, cũng thông tin, sốt là một trong những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ khác như đau, ửng đỏ ở cánh tay, ớn lạnh, tiêu chảy, nôn nao, mệt mỏi, đau cơ... Các phản ứng phụ này thường sẽ biến mất sau 12-48 giờ. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ hoặc có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau liều tiêm thứ hai khác sau liều đầu tiên.
Bác sĩ Thy đưa ra lời khuyên, trường hợp trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, liều thuốc hạ sốt cho trẻ em dưới 11 tuổi cần hiệu chỉnh theo cân nặng. Trẻ 12-17 tuổi, cân nặng >40 kg, có thể dùng liều thuốc hạ sốt như người lớn. Việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn, thường dùng là acetaminophen (khuyến cáo không quá 75mg/kg trong 24 giờ). Ibuprofen với liều hạ sốt khuyến cáo 10-15 mg/kg, cách nhau 4-6 giờ/lần, tối đa 40 mg/kg/ngày. Không khuyến cáo sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì nguy cơ xuất hiện hội chứng Reye (hội chứng này có thể gây sưng phù ở não và gan).
Lựa chọn quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ cho trẻ. Nhiệt độ phòng có thể điều hòa ở mức 27-29 độ C. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể xen kẽ nước lọc với các loại nước cam, chanh, nước ép trái cây (lê, táo...). Chế độ ăn uống vẫn duy trì như thường ngày, không cần kiêng một loại thực phẩm cụ thể sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam tư vấn: "Với những bệnh nhi có phản ứng thông thường tại chỗ tiêm có thể thực hiện biện pháp chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Những bệnh nhân có tình trạng rớm máu tại vị trí tiêm chỉ cần ấn bông gòn lâu hơn vào chỗ tiêm hoặc sử dụng băng dán y tế cá nhân, nâng vị trí vết tiêm bị chảy máu cao hơn tim của bệnh nhân trong vòng 2 đến 5 phút”.
“Với những trẻ biểu hiện sợ hãi thì nên ngồi hoặc nằm khi tiêm và có người hỗ trợ để ổn định tâm lý. Một số trường hợp có những biểu hiện xanh xao, đổ mồ hôi, lạnh bàn tay, bàn chân… là biểu hiện của lo sợ quá mức. Lúc này nên cho bệnh nhi nằm nghỉ, dùng khăn mát lau mặt và cổ bệnh nhân, đồng thời theo dõi cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo", Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM cho biết thêm.
Nguy hiểm nhất nhưng rất hiếm khi xảy ra là phản ứng phản vệ có thể biểu hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và không theo trình tự. Ở da có thể là tình trạng nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ, sưng môi, mặt, cổ, họng hoặc mắt; các biểu hiện về hô hấp là nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cảm giác cổ bị nghẹn lại nói và nuốt khó, thở khò khè, ho nhiều… Về tiêu hóa bệnh nhân có thể bị đau bụng quặn từng cơn, buồn nôn, tiêu lỏng. Bệnh nhân có thể rối loạn tri giác, nhịp tim nhanh, ngất xỉu.
Tại Mỹ có 5 trường hợp bị phản ứng phản vệ/1 triệu mũi tiêm. Những trường hợp bị phản vệ xuất hiện hầu hết trong thời gian 30 phút sau khi tiêm, số lượng phản vệ sau 30 phút rất ít gặp.
Từ thực tế các biểu hiện phản ứng theo các mức độ nêu trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và trẻ trong độ tuổi tiêm chủng không nên lo lắng mà cần chủ động thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế trước, trong và sau tiêm chủng. Cần theo dõi sau tiêm đối với trẻ trong thời gian ít nhất 1 tuần sau chích ngừa, nếu phát hiện bất thường về sức khỏe cần nhanh chóng thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Minh Hoa (t/h theo Tiền Phong, VnExpress, Người Lao Động)