Vào thứ Năm ngày 4/11, trong Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) đang diễn ra tại Anh, nhiều quốc gia tham dự đã đưa ra những cam kết khác nhau về sự loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, “tầm nhìn” đó vẫn còn bị che khuất bởi nhiều nước phụ thuộc vào than nhất thế giới lại “vắng mặt” trong cam kết đẩy loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này lùi vào quá khứ, bao gồm như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Những cam kết khác nhau
Một số nước cam kết sẽ bỏ than hoàn toàn vào một thời điểm xác định trong tương lai, trong khi một số quốc gia khác cho biết sẽ ngừng xây dựng các nhà máy mới sử dụng than. Một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, chỉ cam kết ở mức ngừng cấp vốn cho các nhà máy than mới ở nước ngoài.
Chính phủ Anh cho biết hơn 20 quốc gia bao gồm Ukraine, Việt Nam, Hàn Quốc, Indonesia và Chile đã cam kết về thời hạn mới hoặc thời hạn sớm hơn cho việc chấm dứt sử dụng than.
Một số quốc gia cam kết nhưng kèm theo những cảnh báo đáng chú ý, chẳng hạn như Indonesia yêu cầu viện trợ bổ sung trước khi cam kết đưa ra thời hạn cuối cùng loại bỏ than đến năm 2040.
Theo bà Anna Moskwa, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan, nước sử dụng than lớn thứ 2 ở châu Âu sau Đức, “An ninh năng lượng và đảm bảo công ăn việc làm là ưu tiên của đất nước chúng tôi”. Bà trích dẫn trong một twitter về kế hoạch hiện tại của chính phủ Ba Lan “đưa ra kế hoạch rời bỏ than vào năm 2049”.
Trong khi đó, Mỹ, Canada, Đan Mạch và một số quốc gia khác đã đưa ra cam kết để "ưu tiên" tài trợ cho năng lượng sạch hơn so với các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Mặc dù không cam kết loại trừ hoàn toàn hỗ trợ tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than, nhưng các nước này cho biết sẽ hạn chế nhận “hỗ trợ công trực tiếp mới” đối với than. Theo hãng tin AP, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, tuy chính quyền Tổng thống Joe Biden không tham gia cam kết loại bỏ sử dụng than đá, nhưng cam kết của nước này về một tương lai năng lượng sạch là rất rõ ràng, muốn đạt được 100% điện không ô nhiễm carbon vào năm 2035.
Ukraine, nước tiêu thụ than lớn thứ ba ở châu Âu đã đẩy nhanh thời hạn cam kết giảm đến năm 2035, thay vì năm 2050 trước đó. Theo Bộ năm lượng Ukraina, sản lượng than nước này đã giảm đáng kể trong vài năm qua, từ 40,9 triệu tấn năm 2016 xuống còn 28,8 triệu tấn năm 2020.
Tầm quan trọng của việc loại bỏ sử dụng than
Nhấn mạnh tính khẩn cấp trong hành động đối với than, một phân tích mới của các nhà khoa học tại Dự án Carbon Toàn cầu (GCP) cho biết lượng khí thải từ nhiên liệu này đã tăng đáng kể vào năm 2021. GCP ước tính thế giới sẽ phát thải ra 14,7 tỷ tấn CO2 từ việc đốt than trong năm nay, nhiều hơn 5,7% so với năm ngoái. Báo cáo cho biết, nguyên nhân sự gia tăng chủ yếu do Trung Quốc đạt mức phát thải kỷ lục mới về lượng khí thải CO2 năm nay là 7,6 tỷ tấn, chiếm khoảng một nửa lượng phát thải toàn cầu.
Ông Leo Roberts, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức môi trường E3G, cho biết: “Sự tiến bộ trong những cam kết về than tại COP26 chứng tỏ rằng quá trình chuyển đổi than toàn cầu đang tăng tốc”. Ông nói thêm rằng: “Chúng ta cần mở rộng quy mô tài chính của ngành năng lượng sạch để đảm bảo tất cả các quốc gia có thể chuyển từ sử dụng than sang nhiên liệu sạch”.
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường cho biết các cam kết tại hội nghị là chưa đi đủ. Theo Murray Worthy, thành viên Tổ chức vận động môi trường Global Witnes: “Lượng phát thải từ dầu và khí đốt đã bùng nổ, vượt xa lượng phát thải từ than đá”. "Đây là chỉ một bước tiến nhỏ trong khi những điều cần thiết là một bước đột phá khổng lồ".
Phạm Thu Thanh (theo AP)