Ngày 31/3, Sự kiện công bố mô hình khởi tạo startup giai đoạn 2022 - 2025 và kick-off chương trình khởi tạo năm 2022 được tổ chức bởi Sun*Startup đã diễn ra, nhằm giới thiệu chương trình hỗ trợ những công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt trong lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục) và Medtech (công nghệ y tế).
Tiềm năng vượt trội so với khu vực
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sự gia tăng của những startup công nghệ trong năm 2021 là vô cùng vượt trội.
Cụ thể, ở những lĩnh vực như medtech (y tế), edtech (giáo dục), logistics, hay một số lĩnh vực công nghệ mới như metaverse, blockchain, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh…
Qua đó, đây cũng là điểm khiến thị trường này ngày càng thu hút được những nhà đầu tư, những doanh nghiệp lớn, hay công ty khởi nghiệp sáng tạo, để hình thành hệ sinh thái bằng cách kết nối với nhau.
Ông Thắng chia sẻ, Trung tâm năm vừa qua cũng đã tổ chức nhiều chương trình nhằm hỗ trợ kết nối những startup không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế, ví dụ như chương trình Techfest hằng năm.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, nhưng thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo Golden Gate Ventures công bố vào tháng 7 năm 2021, Việt Nam được đánh giá là “Ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba sau Indonesia và Singapore.
Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Mặt khác, thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, tuy nhiên, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã luôn cố gắng tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Từ đó, khủng hoảng là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.
Tuy nhiên, “Khi ra thực chiến, các startup vẫn còn khá “non” để trụ vững trên thị trường”, ông Thắng nhận định, vậy nên để làm được tất cả điều này, lại cần có sự hợp tác của nhiều bên, để đào tạo, kết nối. Cho thấy, vai trò của những nhà kết nối là vô cùng quan trọng.
Khi tất cả đã dần có sự chú ý và dồn tâm huyết cho thị trường này, đại diện Cục Phát triển Thị trường KHCN bày tỏ hy vọng, hệ sinh thái khởi nghiệp trong giai đoạn 2022-2025 sẽ cho ra đời những lứa startup bùng nổ, chắc chắn hơn, đóng góp vào sự phát triển KT-XH chung của đất nước.
Kết nối để vững chắc hơn
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Hỗ trợ Khởi nghiệp Sun*Startups Việt Nam, chỉ với sức lực của một người, bao giờ cũng sẽ có những giới hạn, nhưng khi tất cả đều có thể trở thành cộng sự, giúp đỡ nhau dựa trên những điểm mạnh cá nhân, thì có thể tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho tất cả cộng đồng.
Chính vì vậy, tiếp nối thành công của chương trình khởi tạo startup các mùa trước, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ là giai đoạn bứt tốc và tập trung, khi đưa vào một mô hình được đúc rút từ chính những kinh nghiệm thực chiến trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ở thời điểm hiện tại, Sun*Startups đang tập trung hỗ trợ những công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu, để họ có thể khởi tạo ý tưởng của mình ứng dụng vào cuộc sống. Chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài trong 6 tháng và được chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, những nguồn lực mà hệ sinh thái có thể đem đến cho các startup ngoài 3 nguồn lực chính từ công nghệ - vốn - thị trường, còn cung cấp tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nguồn lực quản lý sản phẩm và cố vấn công nghệ làm việc toàn thời gian trong suốt chương trình.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia, cố vấn thực chiến về công nghệ và thị trường trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng sẽ được triển khai; ngoài ra các startup còn được cung cấp văn phòng làm việc và các hỗ trợ vận hành liên quan.
Ngược lại, đối với những nhà đầu tư, chương trình cũng có thể mang đến cho họ rất nhiều những startup tiềm năng khi những công ty này đã có thể đứng vững, thể hiện được năng lực của mình trên thị trường. Từ đó, tăng cường kết nối với các nhà đầu tư, cùng nhau thúc đẩy giá trị một cách nhanh chóng và lớn mạnh hơn.
Khi tham gia chương trình, các startup có cơ hội được nhận khoản đầu tư ban đầu từ các nhà đầu tư chiến lược của chương trình với mức đầu tư tối thiểu 20.000 - 60.000 USD; gói hỗ trợ lên đến 10.000 USD,...
Ngoài ra, còn có cơ hội hợp tác và nhận hỗ trợ phát triển thị trường, thử nghiệm sản phẩm, bán hàng với các đối tác chiến lược là những doanh nghiệp, những đơn vị kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Trong chương trình khởi tạo năm 2022, Sun* Startups sẽ đồng hành cùng các đối tác chiến lược như: Do Ventures; BK Fund; Cyber Agent; ThinkZone Ventures; KK Fund; VIC Partners; AWS; Novamed; Gitiho; EPR; MACT; Novaon; Flipbizz. Ngoài ra, chương trình còn nhận được sự hỗ trợ đến từ các đối tác cộng đồng như TÁO khởi nghiệp (TAO Start-up), Sunwah Innovation Center.