Dự kiến, trong các ngày từ 16 đến 18/7, TAND thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử vụ án Buôn lậu hơn 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng), do Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê tỉnh Bình Định); Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh) cầm đầu.
Ngoài 2 bị cáo nêu trên, có 22 bị cáo khác cũng bị đưa ra xét xử về cùng tội Buôn lậu. Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa.
Trong số 24 bị can, có Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) có cơ sở ở thành phố Hà Nội và TAND thành phố Hồ Chí Minh, được xác định là một mắt xích quan trọng của đường dây buôn lậu vàng nói trên. Tuy nhiên, bị can đã xuất cảnh từ 26/9/2022 và bị truy nã, cơ quan điều tra đã tách vụ án hình sự, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Lợi dụng chính sách để buôn lậu
Cáo trạng xác định, lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thụ vàng miếng, vàng nguyên liệu và thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia, từ đầu năm 2022, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (kinh doanh vàng tự do, thu đổi ngoại tệ ở thành phố Hồ Chí Minh), và bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng (chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng ở Tây Ninh) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc, sau đó bán lại cho khách hàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.
Trong đó, đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Giàu, có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng.
Cụ thể, Phụng là người tiếp nhận nhu cầu của khách hàng mua trong nước rồi liên hệ với các đối tượng tại Campuchia để đặt số lượng mua. Phụng, Giàu đã liên hệ với các tiệm kim hoàn tại chợ Olimpic PhnomPênh (Campuchia) để đặt vàng. Tiếp đó, Giàu liên hệ với nhóm đối tượng người Campuchia để nhận vàng từ các nhà bán vàng, sau đó chuyển tới cửa khẩu Chàng Riệc.
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới cho phép các phương tiện của cư dân thường xuyên qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt không bắt buộc phải kiểm soát hải quan, các đối tượng này đã cất giấu vàng lậu trong ngăn bí mật dưới sàn xe ba gác của đối tượng người Campuchia, chạy xe đến Cửa khẩu Chàng Riệc với lý do mua đá lạnh sinh hoạt nhằm đưa vàng qua biên giới.
Giàu giao cho con trai là Trần Thanh Thắng đi xe máy đến cửa khẩu Chàng Riệc, để xe máy lại và chạy xe ba gác của các đối tượng người Campuchia có chứa vàng được cất giấu trong ngăn bí mật về xưởng đá lạnh của Giàu tại xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Tại đây, các đối tượng mở ngăn bí mật của xe ba gác lấy các hộp vàng ra, sau đó Thắng bỏ túi chứa tiền mua vàng lậu lên xe rồi chất các túi đá lạnh lên xe ba gác và chạy xe ra cửa khẩu Chàng Riệc giao xe cho các đối tượng người Campuchia và nhận xe máy đi về nhà.
Sau khi nhận được vàng, Giàu giao cho các đối tượng khác trong đường dây đi giao số vàng này hoặc trực tiếp giao vàng lậu cho khách hàng theo chỉ đạo của Phụng.
Bằng thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ 3/8 đến 28/9/2022, Phụng đã buôn lậu 4.830kg vàng thỏi với giá trị 6.644 tỷ đồng.
Hưởng lợi bất chính hàng chục tỷ đồng
Số vàng này, Phụng đã bán lại cho bị can Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560kg, bị can Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268kg, bị cáo Đặng Thị Thanh Hằng (đang bị truy nã) 294kg; bán cho 36 khách hàng khác tổng cộng 1.828kg và bán cho khách lẻ không xác định được lai lịch là 1.804kg; còn lại 76kg cơ quan điều tra phát hiện khi khám xét và đã tạm giữ.
Các đối tượng trong đường dây buôn lậu của Phụng thu lợi bất chính tổng cộng hơn 17,6 tỷ đồng. Trong đó Phụng hưởng lợi 2,4 tỷ đồng; Giàu hưởng lợi 13,8 tỷ đồng; 20 bị cáo còn lại hưởng lợi tùy vào công sức bỏ ra.
Đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) cầm đầu. Trong khoảng thời gian từ 16/7 đến 28/9/2022, Phượng đã móc nối với Giàu, Nguyễn Thị Thúy Hằng và 3 người khác tham gia, buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Cụ thể, để có vàng lậu cung cấp cho Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phượng góp vốn với Pich Hen (người Campuchia) để gom mua. Sau khi mua được vàng, Phượng thông qua Giàu và Trần Thanh Thắng mang qua cửa khẩu Chàng Riệc với cách thức tương tự như vận chuyển cho Phụng.
Sau khi vàng được đưa qua cửa khẩu, Giàu giao vàng cho Nguyễn Minh Tâm để cho Hằng. Giàu cũng là người đứng ra nhận tiền thanh toán cho em gái.
Với việc buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, Phượng hưởng lợi 132.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng và một số bị cáo khác hưởng lợi tùy theo mức độ khi tham gia buôn lậu.
Ngày 28/9/2022, sau thời gian theo dõi, Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) đã bắt quả tang việc giao nhận vàng tại đường Hồng Lạc (phường 14, quận Tân Bình).
Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt hàng chục người; khám xét nhiều địa điểm liên quan tại TAND thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, thu giữ tổng cộng 76 thỏi vàng, gần 3 triệu USD, 64.000 Euro, 5.000 đôla Australia, 10 triệu won Hàn Quốc, 10 triệu yên Nhật, hơn 45 tỷ đồng và hàng loạt tang vật khác.
Liên quan tới việc để “lọt” hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi liên quan tới một số cá nhân, đơn vị khác.