Các tỉnh thành duyên hải Bắc Bộ chủ động phòng chống bão số 5

Các tỉnh thành duyên hải Bắc Bộ chủ động phòng chống bão số 5

Đoàn Minh Sơn

Đoàn Minh Sơn

Thứ 4, 12/09/2018 15:34

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, các tỉnh thành duyên hải Bắc Bộ đã và lên phương án để phòng chống cơn bão có cường độ mạnh này.

Tại TP.Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố vừa ký công điện số 10-CĐ-CT ngày 12/9/2018 yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 5 (tên quốc tế là Barijat).

Tin nhanh - Các tỉnh thành duyên hải Bắc Bộ chủ động phòng chống bão số 5
Đường đi của bão số 5 lúc 13h ngày 12/9.

Kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ.

Thường trực ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi, giải trí các khu du lịch biển.

Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão và ngập úng, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn phòng chống lụt bão tại các công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình trọng điểm như cầu Hoàng Văn Thụ, khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, nút giao Tân Vũ, đường bao Đông Nam quận Hải An…), bãi thải gyps của nhà máy DAP Đình Vũ, cầu tàu, bến cảng, khu công nghiệp, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước đô thị, đề phòng ngập úng khu vực nội thành; chủ động tiêu nước trong hệ thống công trình thủy lợi để bảo vệ lúa và hoa màu khi có mưa lớn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về BCH PCTT&TKCN thành phố.

Tại Quảng Ninh, thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện việc nắm bắt số tàu thuyền, đặc biệt là tàu xa bờ, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Thường xuyên theo dõi diễn biến bão, giữ liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

UBND các địa phương tổ chức thông tin cho nhân dân và khách du lịch biết về diễn biến của bão, rà soát cụ thể từng địa bàn dân cư về phương án phòng tránh, di chuyển dân về nơi an toàn.

Tổ chức gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nắm bắt số người đang có mặt trên vùng nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.

Ngành giao thông phối hợp với sở Du lịch sẵn sàng các phương án di rời khách, cấm biển khi có yêu cầu, chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn tại các ngầm, tràn giao thông. Các đơn vị quân đội, công an túc trực, sẵn sàng phương án cứu hộ.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, tổng công ty Đông Bắc rà soát các phương án phòng chống thiên tai đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải có nguy cơ sạt lở.

Tại tỉnh Thái Bình, để chủ động phòng chống với bão số 5, BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương theo dõi chạt chẽ diễn biến của bão, hướng dẫn cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, di chuyển vào vùng an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có yêu cầu, thường xuyên báo cáo tình hình về BCH PCTT&TKCN tỉnh.

Tại tỉnh Nam Định, ngoài việc thông báo các phương tiện tàu thuyền về nơi an toàn, BCH PCTT&TKCN tỉnh còn chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống ngập. Khẩn trương tiêu rút triệt để nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là vùng trũng; chủ động máy bơm dã chiến, máy bơm di động, chống úng lụt cho lúa và hoa màu.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 12/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng  20,8 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 440km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 13 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu, cách Móng Cái (Quảng Ninh), khoảng 220km, cách Hải Phòng khoảng 320 về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.