Các tỉnh của Trung Quốc đã chi hơn 352 tỷ nhân dân tệ (51,6 tỷ USD) cho việc phòng chống Covid-19 vào năm 2022, theo dữ liệu do chính quyền địa phương công bố.
Mỗi tỉnh đo lường chi tiêu Covid-19 theo những cách khác nhau, ví dụ như chi tiêu ở tất cả các cấp chính quyền, hoặc chi tiêu ở cấp tỉnh.
Tuy nhiên, theo dữ liệu được công bố, tỉnh Quảng Đông với 127 triệu dân và nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc, là nơi chi tiêu nhiều nhất. Năm 2022, tỉnh này đã chi 71,14 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) cho các biện pháp như tiêm chủng, xét nghiệm và trợ cấp khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đây là mức chi tiêu lớn nhất trong số 20 tỉnh đã công bố số liệu, tăng 56,8% so với chi tiêu liên quan đến Covid vào năm 2021 và tăng hơn gấp đôi so với chi tiêu của năm 2020. Tổng chi tiêu chống đại dịch của tỉnh này lên tới 146,8 tỷ nhân dân tệ (21,4 tỷ USD) trong 3 năm qua.
Tỉnh ven biển phía đông Giang Tô, nền kinh tế cấp tỉnh lớn thứ hai của đất nước, đã chi 42,3 tỷ nhân dân tệ (6,1 tỷ USD) để xử lý đại dịch vào năm ngoái, gấp 28 lần so với năm 2021.
Bắc Kinh, nơi hứng chịu 2 đợt bùng phát Covid lớn vào năm ngoái, đã dành khoảng 30 tỷ nhân dân tệ (4,38 tỷ USD) cho công tác phòng ngừa và kiểm soát và lên kế hoạch chi 32,77 tỷ nhân dân tệ (4.78 tỷ USD) cho y tế công cộng vào năm 2023, tập trung vào việc đảm bảo hoạt động của các dịch vụ y tế và sức khỏe của người dân.
Thượng Hải, trung tâm tài chính của đất nước, đã chi 16,77 tỷ nhân dân tệ cho các biện pháp phòng chống Covid tương tự, bao gồm cả việc điều trị y tế, mua thiết bị y tế và xây dựng các bệnh viện dã chiến. 2 tháng phong tỏa toàn diện ở Thượng Hải (tháng 4 và tháng 5) đã khiến nền kinh tế của thành phố giảm 0,2% vào năm 2022.
Kể từ khi từ bỏ chính sách zero Covid, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngày 8/1, quốc gia này đã mở lại biên giới cho du lịch quốc tế, từ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch trong nước.
Chi tiêu công hiện có thể được chuyển hướng tới các biện pháp được thiết kế để thúc đẩy nền kinh tế. Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 sẽ đạt 6,5%, thúc đẩy nhu cầu toàn cầu thêm 1%.
Nguyễn Tuyết (Theo The Guardian, Reuters)