Vào ngày 8/11, PV báo Người Đưa Tin truy cập vào website tại địa chỉ http://thoitrangthinhhoa.com thì không thể vào được. Hiện trang này đang thông báo: "Website đang trong quá trình nâng cấp".
Trước đó, website này đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết bán các mặt hàng thời trang quần áo do công ty TNHH Thịnh Hoà phân phối.
Tiếp tục tìm kiếm, PV còn ghi nhận, công ty TNHH Thịnh Hoà còn có trang Facebok: https://www.facebook.com/thinhhoathoitrangsi, tuy nhiên, tương tự như web, hiện không thể mở trang này.
Điều đáng nói, trong ngày 6/11, ghi nhận của PV cho thấy, công ty TNHH Thịnh Hòa đã chuyển trụ sở, chi nhánh của mình đi đâu không rõ.
Cụ thể, theo cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì công ty TNHH Thịnh Hoà (có trụ sở tại GB6 - GB7, đường Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, TP.HCM) hoạt động từ năm 2009.
Và một chi nhánh (tại số 268, đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP.HCM) hoạt động từ tháng 8/2017.
Tuy nhiên, PV đến trụ sở trên đường Nguyễn Giản Thanh thì “cửa đóng then cài”. Hỏi người dân xung quanh không ai biết công ty này.
Còn đến chi nhánh số 268 đường Tô Hiến Thành, phải rất khó khăn, PV mới tìm được xưởng may mặc và kho ở phía sau lưng của siêu thị Big C Miền Đông.
Thế nhưng, tại địa chỉ này hiện cũng đang phủ bạt, cửa khoá. Hỏi những người dân xung quanh thì công ty đã dời kho xưởng khoảng 10 ngày nay, đi đâu không rõ.
Trước đó công ty này đã nhập từ Trung Quốc về Việt Nam với tổng cộng 8.500 sản phẩm là hàng có xuất xứ Trung Quốc, tuy nhiên lại “đội lốt” bằng cách gắn nhãn mác là “Made in Vietnam” và “Made in Korea”.
Theo khai báo hải quan thì lô hàng của công ty TNHH Thịnh Hoà là quần áo các loại có xuất xứ từ Trung Quốc, với trị giá gần 50.000 USD (tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khi nghi vấn lô hàng có vấn đề, lực lượng chức năng tăng tiến hành tạm giữ và kiểm tra thực tế.
Kết quả cho thấy, toàn bộ hàng hóa của lô hàng này điều giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo đó, qua kiểm đếm thực tế, lô hàng có gần 8.500 sản phẩm, trong đó có gần 5.200 sản phẩm là quần jean nữ người lớn, mới 100%, nhãn ghi xuất xứ “Made in Korea”.
Còn có trên 1.800 áo thun nam người lớn, nhãn ghi xuất xứ “Made in Vietnam” và gần 1.500 quần jean nữ người lớn ghi nhãn “Made in Việt Nam”.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện trong lô hàng thời trang nêu trên còn có gần 50 kg (với 6.500 cái) nhãn in bằng giấy và bằng vải ghi chữ Hàn Quốc “Made in Korea”.
Hiện chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang trưng cầu giám định để làm rõ hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa của công ty TNHH Thịnh Hòa.
PV đang liên hệ cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin doanh nghiệp này dời đến chỗ nào để có thông tin tiếp theo đến bạn đọc.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.