Các trường đại học nói gì về chương trình đào tạo chất lượng cao?

Các trường đại học nói gì về chương trình đào tạo chất lượng cao?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 04/05/2023 07:15

Những năm qua, nhiều trường đại học tuyển sinh chương trình chất lượng cao cùng với hệ đại trà, dẫn đến quan điểm khác nhau.

Câu hỏi so sánh chất lượng đào tạo

Trước câu hỏi của phụ huynh về chất lượng đào tạo của chương trình chất lượng cao, Th.S Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường Đại học Luật Tp.HCM cho biết, để có thể vào được chương trình chất lượng cao của trường, sinh viên bắt buộc vào trúng tuyển vào chương trình đại trà trước.

Sau khi trúng tuyển hệ đại trà, nhà trường sẽ cung cấp thông tin các ngành học có nhiều chương trình đào tạo. Nếu sinh viên cảm thấy chương trình phù hợp với trình độ, phù hợp với năng lực tài chính thì làm đơn xin vào lớp chất lượng cao. Nhà trường sẽ tổ chức sơ tuyển trình độ tiếng Anh, nếu sinh viên đạt yêu cầu mới được học.

Ông Hiển cho biết thêm, sở dĩ chương trình chất lượng cao là vì nhà trường đầu tư cho các lớp này khá lớn. Mỗi lớp chỉ có 50 sinh viên, trong khi lớp học chương trình đại trà là trên 100, 150 thậm chí 200 sinh viên. Bên cạnh đó, các giảng viên giảng dạy có trình độ cao hơn; tài liệu học tập dành riêng lớp chất lượng cao; nhiều hoạt động ưu tiên cho lớp này...

Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM cho rằng, chương trình chất lượng cao là đào tạo theo nhu cầu. Hiện nay tất cả các cơ sở giáo dục đại học phát triển đều đào tạo theo chuẩn đầu ra. Trong đó, đầu ra bằng đầu vào cộng với quá trình.

Như vậy, tại sao chương trình chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đầu ra? Là vì các lớp chất lượng cao phải dành nguồn lực nhiều để có quá trình nhiều hơn so với lớp đại trà.

"Việc điểm chuẩn đầu vào chương trình chất lượng cao thấp hơn không có gì là sai cả. Tôi khẳng định rằng, rất nhiều thủ khoa đầu vào không phải là thủ khoa đầu ra. Vì sao như vậy? Đâu phải điểm đầu vào thể hiện năng lực vượt trội? Và rất nhiều thủ khoa đầu ra chưa chắc trở thành doanh nhân thành đạt.

Chính yếu tố này thúc đẩy cơ sở giáo dục phải có quá trình đào tạo khác biệt hơn, nhưng nguồn lực các trường không thể chia sẻ được với tất cả sinh viên nên cần sự đóng góp nhiều hơn của phụ huynh. Chương trình chất lượng cao ra đời là như vậy", đại diện Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM nói.

Từng bước xóa bỏ phân biệt

Theo thông tin tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM công bố, năm nay nhà trường không còn tuyển sinh chương trình chất lượng cao như những năm trước.

Lý giải về việc này, ông Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trong chiến lược đào tạo công dân toàn cầu, mỗi ngành đào tạo của trường sẽ có chương trình chuẩn tiếng Việt, chương trình tiếng Anh toàn phần và chương trình tiếng Anh bán phần trên nền tảng một chương trình chuẩn. Tất cả chương trình chuẩn của trường đã tiệm cận chuẩn chương trình chất lượng cao".

Giáo dục - Các trường đại học nói gì về chương trình đào tạo chất lượng cao?

Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM khẳng định, các chương trình chuẩn của trường đã tiệm cận chuẩn chương trình chất lượng cao.

Tương tự, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng chỉ tuyển sinh một chương trình chuẩn, không còn chương trình chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, hiện nay trường đã tự chủ, được thu học phí cao nên không tuyển sinh chương trình chất lượng cao nữa.

"Thực sự trước đây các trường tồn tại được một phần nhờ chương trình chất lượng cao, vì với học phí chương trình đại trà, các trường chưa tự chủ gặp nhiều khó khăn. Với chương trình chất lượng cao được thu học phí cao hơn, trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, không chỉ sinh viên chất lượng cao mà sinh viên đại trà cũng được hưởng lợi.

Nếu trường chưa tự chủ mà không còn được đào tạo chương trình chất lượng cao thì rất đáng lo ngại. Nay với chủ trương đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, nguồn thu học phí từ chương trình đại trà tuy không bằng mức của chương trình chất lượng cao trước đây nhưng phần nào trang trải được chi phí của trường. Do vậy, trường chúng tôi chỉ tuyển sinh chương trình tiêu chuẩn", ông Khang nói.

Ông Nguyễn Anh Vũ, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho rằng chương trình chất lượng cao của trường này được thực hiện theo đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

"Hiện tại Bộ GD&ĐT chưa có các văn bản pháp quy chính thức về việc bãi bỏ chương trình đào tạo này, cho nên việc đào tạo và tuyển sinh dự kiến năm 2023 đối với chương trình này vẫn được tiến hành bình thường. Nhà trường hiện đã có sáu chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN - QA, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thủ tục kiểm định các chương trình chất lượng cao theo quy định", ông Vũ nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.