Các trường đua nhau tuyển vượt chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT nói gì?

Các trường đua nhau tuyển vượt chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT nói gì?

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 5, 07/10/2021 10:37

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu là biện pháp trừ hao mà trường nào cũng áp dụng để tránh thí sinh ảo.

Sáng ngày 7/10, Tiền phong đưa tin, theo danh sách trúng tuyển đại học (ĐH) chính quy năm 2021 bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, một số ngành của Trường ĐH Công đoàn có số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh. Với ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu, vượt 123%; ngành Xã hội học là 405/200, vượt hơn 100%. Các ngành như Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%, các ngành khác thấp hơn, nhưng có thể thấy 100% các ngành của Trường ĐH Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.

Trường ĐH Kiến trúc có 19 ngành đào tạo, được chia thành 12 ngành, nhóm ngành tuyển sinh thì chỉ có 3-4 ngành có số thí sinh trúng tuyển dưới chỉ tiêu, còn lại đều vượt. Nhóm ngành Điêu khắc và Thiết kế nội thất vượt gần 85%, ngành Thiết kế thời trang vượt 113%, ngành Quản lý xây dựng vượt 144%. Với Trường ĐH Lao động - Xã hội, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, có những ngành vượt gần 800% như ngành Tâm lý có 354 thí sinh trúng tuyển trên tổng số 40 chỉ tiêu, ngành Tài chính-Ngân hàng vượt 652%, ngành Kinh tế vượt 542%, ngành Quản trị kinh doanh vượt 490%... Xét trên tổng quy mô, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp của Trường ĐH Lao động - Xã hội vượt trên 317%.

Tại khu vực phía Nam, không hiếm trường xác định số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu,thậm chí có ngành chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu của một trường ĐH. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 793 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh có 60 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trường gọi trúng tuyển đến 943 thí sinh, vượt chỉ tiêu đến 1.471%, chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Tổng chỉ tiêu 4 phương thức tuyển sinh của ngành này là 120, số thí sinh trúng tuyển cũng vượt gần 800%. Ngành Công nghệ thông tin có 55 chỉ tiêu nhưng trường cũng gọi trúng tuyển đến 445 thí sinh, vượt hơn 700% chỉ tiêu. Ngành Quản lý đất đai có 125 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 573 thí sinh, vượt 358% so với chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Đồng Nai, nếu tính theo số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học, nhiều ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu. Ngành Giáo dục tiểu học có 350 chỉ tiêu nhưng đã có 546 thí sinh xác nhận nhập học; Ngôn ngữ Anh có 283 thí sinh nhập học trong khi chỉ tiêu là 100.

PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, nói rằng, theo tra soát trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, có tới 30% thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác nhưng chưa bị xóa tên trên hệ thống. Nguyên nhân là nhiều thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể nộp giấy xác nhận nhập học. Các trường phải chấp nhận tỉ lệ ảo này để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu là biện pháp trừ hao mà trường nào cũng áp dụng để tránh thí sinh ảo. Tuy nhiên, gọi vượt bao nhiêu để vừa đủ là một bài toán khó.

Bởi lẽ, nếu gọi vượt quá nhiều, thí sinh nhập học đầy đủ thì trường phạm vào quy định tuyển vượt chỉ tiêu cho phép sẽ bị xử lý theo chế tài. Ngược lại, nếu không khéo tính toán thí sinh nhập học ít thì sẽ tuyển thiếu chỉ tiêu ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của trường. Tuy nhiên, nhiều người đều nhận định việc gọi nhập học cao đến hơn chục lần so với chỉ tiêu thì “quá liều”.

Theo Infonet, về tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT cho biết phần mềm lọc ảo giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo” và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng vào một ngành của một trường ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh lựa chọn, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo” của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.

Nhằm tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn, làm ảnh hưởng quyền lợi của các thí sinh đối với nhiều trường hợp, các trường nếu chưa có đủ thông tin chắc chắn sẽ không nhập thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác lên hệ thống để loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển trước khi lọc ảo.

Bộ GD&ĐT cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thí sinh ảo. Vì vậy, các trường phải cân nhắc quyết định để tăng thêm số thí sinh khi xác định điểm trúng tuyển và số lượng trúng tuyển.

Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.

"Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm nếu các cơ sở giáo dục tuyển vượt so với chỉ tiêu được giao", Bộ GD&ĐT khẳng định.

Quốc Tiệp (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.