UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để thực hiện đúng các quy định về thu, chi tài chính và công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới; có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập của địa phương theo thẩm quyền; sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là với một số môn học như: Tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện chủ trương "Có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp" phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để thực hiện đúng các quy định về thu, chi tài chính và công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học; về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, tài liệu tham khảo.
Đồng thời, cần xây dựng, triển khai thực hiện phương án hỗ trợ học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm để các em có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác; không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.
Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện hiệu quả một số hoạt động đầu năm học 2024-2025 như: Vệ sinh trường, lớp; chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho khai giảng năm học mới; tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp; thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian tổ chức lễ khai giảng thống nhất vào sáng 5/9.
Lễ Khai giảng năm học mới 2024 - 2025 được tổ chức thống nhất trên địa bàn Thành phố vào sáng ngày 5/9/2024 (thứ Năm) theo hướng gọn nhẹ, lấy học sinh là trung tâm; chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Thời gian tổ chức Lễ Khai giảng thống nhất trên địa bàn thành phố vào ngày 5/9/2024 (thứ Năm).
Nội dung cụ thể như sau:
Từ 7h đến 7h30: Tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp.
Từ 7h 30 đến 8h 30: Chào cờ, hát Quốc ca.
Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai giảng.
Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới.
Đánh trống khai trường.
Tổ chức các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao,...).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý, Lễ Khai giảng cần tổ chức gọn nhẹ, học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp.
Đối với trường mầm non, cần tổ chức khai giảng theo hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Thời lượng tổ chức tối đa là 60 phút; thời gian bắt đầu đón trẻ và tổ chức do phòng giáo dục và đào tạo thống nhất, chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non để phù hợp với trẻ.
Trúc Chi (t/h Hà Nội Mới, Phụ Nữ Việt Nam)