GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, theo danh sách bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, những thí sinh không thi được tốt nghiệp THPT chủ yếu ở phía Nam, chỉ có khoảng 400 thí sinh ở miền Bắc và miền Trung thuộc dạng đặc cách tốt nghiệp theo diện này.
Trong số 400 thí sinh số lượng đăng ký vào Đại học Y Hà Nội rất ít. Do đó, trong đợt 1, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, sau đó lấy thêm chỉ tiêu từ thí sinh đặc cách cũng sẽ nằm trong diện cho phép (khoảng 5%) của bộ GD&ĐT.
Những thí sinh thuộc diện đặc cách đủ điều kiện, nhà trường sẵn sàng đón nhận. Đại học Y Hà Nội sẽ sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Nhà trường căn cứ vào đó đưa ra mức điểm xét tuyển.
Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã thông báo về việc bổ sung phương thức xét tuyển đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng. Chỉ tiêu xét tuyển tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Chỉ tiêu bổ sung theo phương thức này không quá 3% chỉ tiêu từng ngành được phân bổ trước đó.
Nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia năm 2021, kết hợp kết quả học tập THPT.
Thí sinh phải đảm bảo cả 2 tiêu chí: Có kết quả kỳ thi đánh giá năng lực phải bằng hoặc trên mức điểm sàn do Đại học Y Dược TPHCM xác định và có kết quả học tập THPT của từng môn trong tổ hợp xét tuyển phải ≥ 8,0 cho cả 3 năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Về tổ hợp môn, ngành Dược học xét 1 trong 2 tổ hợp A (Toán - Lí - Hoá) hoặc B (Toán - Hóa - Sinh). Các ngành còn lại chỉ xét tổ hợp B.
Còn trường Đại học Y Dược Cần Thơ sử dụng phương thức xét kết quả học tập THPT điểm trung bình lớp 12 của 3 môn của tổ hợp B00 (không nhân hệ số) cho nhóm đối tượng thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo dự kiến 3% trên tổng chỉ tiêu mỗi ngành, chỉ tiêu từng ngành có thể thay đổi tương ứng với tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường.
Tổng chỉ tiêu là 50 sinh viên, trong đó riêng ngành Y đa khoa là 24 chỉ tiêu. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các ngành Răng - Hàm - Mặt, Y đa khoa, Y học cổ truyền, Dược là học lực loại giỏi, điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ 8 trở lên.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng và phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 diện đặc cách tốt nghiệp từ 16/8 đến hết 27/8 theo hình thức online.
Đối với những thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT 2021, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra phương thức tuyển sinh và xét tuyển bổ sung như sau:
Trường sẽ xét tuyển và tuyển sinh các thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định của bộ GD&ĐT và dựa trên kết quả học tập THPT của 5 học kỳ (học kỳ I và II năm lớp 10; học kỳ I và II năm lớp 11; học kỳ I năm lớp 12).
Điều kiện đăng ký xét tuyển chung cho tất cả các ngành tuyển sinh là xếp loại hạnh kiểm từ loại Khá trở lên của năm học lớp 12 của THPT đầy đủ sức khỏe để theo học ngành đăng ký xét tuyển.
Điều kiện đăng ký xét tuyển riêng cho ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt là điểm trung bình cộng của 5 học kỳ từ 7 điểm trở lên và điểm trung bình cộng mỗi môn Toán, Hóa, Sinh của 5 học kỳ từ 8 điểm trở lên.
Ngành Khúc xạ Nhãn khoa điểm trung bình cộng của 5 học kỳ môn Tiếng Anh từ 7 điểm và điểm trung bình cộng mỗi môn Toán, Hóa, Sinh của 5 học kỳ từ 6,5 điểm. Các ngành còn lại, điểm trung bình cộng mỗi môn Toán, Hóa, Sinh của 5 học kỳ từ 6,5 điểm.
Việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập ba môn Toán, Hóa, Sinh của 5 học kỳ để xác định điểm thành phần môn Toán, Hóa, Sinh.
Các điểm trung bình được tính làm tròn đến hai số lẻ. Tổng điểm xét tuyển Toán - Hoá - Sinh (không làm tròn) + điểm ưu tiên khu vực + điểm đối tượng ưu tiên theo quy định của bộ GD&ĐT.
Căn cứ vào tổng điểm xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ lập danh sách thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của từng ngành theo thứ tự giảm dần của tổng điểm xét tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển được chọn theo tổng điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu bổ sung của từng ngành.
Với phương thức này tiêu chuẩn phụ dùng để xét trong trường hợp các thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau, được xếp ưu tiên theo thứ tự sau: Điểm trung bình 5 học kỳ môn Ngoại ngữ, Điểm trung bình lớp 12 THPT, Điểm trung bình 5 học kỳ môn Văn.
Minh Hoa (t/h theo VTC, Lao Động)