Chống dịch bằng đàn tính, hát then
Những ngày gần đây, người dân xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk không khỏi ngạc nhiên bởi cách chống dịch Covid-19 bằng đàn tính và hát then của chị Nguyễn Thị Phương, SN 1977, người dân tộc Tày, trú tại thôn 5, xã Cư M’gar.
Chị Phương làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, kiêm Chi hội trưởng hội Phụ nữ thôn nhiều năm.
Thôn của chị sinh sống và các thôn lân cận, đa số là đồng bào dân tộc Tày - Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống.
Trong hành trình di cư của mình, họ không quên mang theo cây đàn tính và điệu hát then đặc sắc. Những lúc rảnh rỗi, người dân trong thôn lại cùng nhau đàn hát để vơi đi nỗi nhớ quê hương và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Tận dụng bản sắc của dân tộc mình, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Phương lên mạng Internet tìm những bài hát hay có nội dung về phòng chống dịch Covid-19 để chuyển thành làn điệu hát then.
Ngày 28/7, chị Phương tải video lên Facebook bài hát mộc mạc, giản dị, dễ hiểu với nội dung tuyên truyền mọi người chấp hành nghiêm quy định của Thủ tướng, bộ Y tế về phòng chống dịch.
Đồng thời, nói lên những vất vả của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội... trong tuyến đầu phòng chống dịch. Ngay sau khi đăng tải, video này được cộng đồng mạng xã hội Facebook, Youtube ủng hộ nhiệt tỉnh, lan toả nhanh chóng, với hàng trăm lượt like, bình luận, chia sẻ.
Một người dân sống tại xã Cư M’gar chia sẻ: “Sau khi xem chị Phương đàn tính, hát then trên Facebook tôi rất thích, nghĩ rằng chị ấy rất tâm huyết và có ý thức trách nhiệm cao đối với công tác phòng chống dịch bệnh.
Vì vậy, chị Phương mới sáng tạo được lời ca, tiếng hát để phù hợp với bối cảnh cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Đó là một cách làm độc đáo không chỉ tạo sự chú ý cho riêng đồng bào các dân tộc Tày - Nùng mà còn mới mẻ đối với các dân tộc”.
Chị Phương tâm sự: “Ở thôn và xã tôi sinh sống, có rất nhiều thanh niên đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam nay trở về địa phương chống dịch. Do đó, tôi nảy sinh ý tưởng tại sao lại không tuyên truyền bằng điệu dân ca của dân tộc mình để bà con thực hiện tốt hơn.
Để làm được điều đó, tôi đã lên mạng mày mò từ lời ca, tiếng hát và luyện cho khớp với tiếng đàn để trình bày rồi quay video lại đăng lên Facebook, không ngờ được mọi người say mê theo dõi, có bạn còn xin video đăng lên Youtube”.
Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho hay, dùng đàn tính và hát then để tuyên truyền nhân dân phòng chống dịch bệnh là cách làm mới mẻ, rất hiệu quả đối với xã Cư M’gar nói riêng và toàn huyện nói chung.
Biện pháp phòng dịch độc đáo này được rất nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc Tày – Nùng tại địa phương rất thích thú, nhiệt tỉnh ủng hộ.
Dùng xe công nông làm chòi cách ly
Những ngày qua nhiều người đi làm công nhân ở các tỉnh, thành phía Nam về Đắk Lắk tránh dịch được gia đình dựng sẵn chòi tạm ngoài rẫy. Ngay sau khi về địa phương, công dân ra thẳng rẫy cách ly và được người thân tiếp tế lương thực, thực phẩm.
Đơn cử như gia đình anh Hoàng Văn Thành và chị Đàm Thị Duyên, dân tộc Tày, trú tại thôn Bình Hoà, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar từ Bình Dương về địa phương từ 26/7.
Trước khi về, người thân của chị Duyên đã dựng chòi bằng áo mưa, bao bạt tại rẫy cà phê để vợ chồng chị tự giác cách ly. Dù là chòi tạm nhưng vợ chồng chị Duyên được gia đình chuẩn bị đầy đủ đồ sinh hoạt phục vụ ăn uống, giặt giũ riêng biệt.
Chị Duyên cho hay, chị đang mang bầu tháng thứ 6 nhưng vẫn cố gắng ngồi xe máy hơn 12 giờ đồng hồ từ Bình Dương về quê. Do nhà còn bố mẹ và người con đầu nên vợ chồng chị Duyên quyết định ra ở rẫy. Do không có chòi sẵn nên gia đình dùng bạt che tạm...
Không riêng gì vợ chồng chị Duyên, chị Ma Thị Hoàn, trú tại thôn Xuân Lạng 2, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk được người thân dùng xe công nông làm chòi tạm trong thời gian cách ly.
Chị Hoàn cho hay, chị khá bất ngờ khi đứng trước căn chòi làm trên xe công nông tựa vào gốc cây gần ao nuôi cá. Vì làm trên khung xe nên căn chòi chỉ đủ đặt chiếc nệm để ngủ. Đến giờ ăn uống, người thân mang đồ ra tiếp tế.
Khánh Ngọc