Keyless là bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp ôtô khi trao tặng cho người sử dụng sự tiện ích, xóa nhòa hình ảnh chùm chìa khóa lủng lẳng phía trước mặt và thay vào đó là dấu ấn đẳng cấp chìa khóa đút túi, cất trong ví.
Từ một phát minh được hãng điện tử Siemens tung ra vào giữa thập niên 1990 và sau đó được hãng xe Mercedes-Benz giới thiệu lần đầu tiên trên chiếc sedan hạng sang S-Class năm 1997. Mười năm sau, vào năm 2007 thế giới đã đón nhận cuộc đua mạnh mẽ của khóa thông minh, mà điển hình nhất là người Hàn Quốc với 2 thương hiệu Kia và Hyundai đã đại trà Keyless trên cả những dòng xe giá rẻ, xe cỡ nhỏ. Trong những năm gần đây, thị trường ôtô Việt Nam cũng đón nhận số lượng lớn các dòng xe trang bị sẵn công nghệ này. Tỷ lệ các xe giá trên 1 tỷ đồng có sẵn Keyless là rất lớn. Không chỉ vậy, những dòng xe giá rẻ khác như Honda City, Toyota Vios, Kia Morning, Hyundai Grand i10… sở hữu Keyless cũng đang dần thành xu thế.
Keyless hiện được phân biệt có 2 dạng Keyless Start (bấm mở cửa và nhấn nút khởi động xe) và Keyless Go (tự động mở cửa khi kéo tay nắm, nhấn nút khởi động xe, tự khóa xe khi tắt máy và rời khỏi xe).
Chìa khóa thông minh ngày nay thậm chí còn có thể khởi động xe từ xa, điều khiển nhiệt độ, điều chỉnh cửa sổ, tra cứu tình trạng xe… Nhưng dù hiện đại đến mấy, khắc tinh của nó vẫn là các hacker.
Do sử dụng sóng vô tuyến để kích hoạt các tính năng, chìa khóa thông minh cũng có thể bị làm giả. Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy kẻ trộm sử dụng máy quét để mở khóa hệ thống bảo mật trên chìa khóa thông minh. Trước đó, chúng sử dụng thiết bị dò mã khóa và cập nhật mã điều khiển thu được lên một phôi chìa khóa không dây khác. Việc dò tìm mã khóa này được thực hiện khi chiếc xe vẫn nằm trong tầm phủ sóng của chìa khóa (lên tới 100 m). Đó chính là kẽ hở để tội phạm khai thác.
Hiện trên thế giới chưa có nhiều hãng đưa ra được loại khóa thông minh miễn nhiễm được với thủ đoạn trộm sóng. Riêng có một số hãng xe phát triển thêm công nghệ mã khóa ở bên ngoài để tăng thêm tính bảo mật, điển hình như chiếc Ford Explorer (đã bán tại Việt Nam từ tháng 12/2016).
Tuy nhiên, vẫn còn một cách bảo mật chiếc xe của bạn khá rẻ tiền, chi phí chưa đến 20.000 VND. Đó chính là bọc chìa khóa sau khi không sử dụng vào một tấm giấy bạc (giấy nhôm), được bán khá nhiều ở siêu thị, dùng để bảo quản thức ăn hoặc nướng cá, thịt… Nguyên nhân bởi giấy bạc, nhôm có tác dụng triệt tiêu hoàn toàn sóng tín hiệu. Cách này cũng có tác dụng khi đặt chìa khóa ở trong tủ lạnh, nhưng bạn cũng nên nhớ là dễ làm hỏng chìa khóa vì chúng không được thiết kế chịu lạnh quá lâu.
Theo Nghe nhìn Việt Nam