Cách chữa bệnh kỳ lạ của kỳ nhân xứ Mường

Cách chữa bệnh kỳ lạ của kỳ nhân xứ Mường

Thứ 7, 11/05/2013 09:26

Suốt bao năm hành nghề chữa bệnh ở vùng cao huyện Đà Bắc, cụ Đinh Văn Hồng ở xóm Mè, xã Tu Lý huyện Đà Bắc chẳng lấy tiền của ai.

Cụ có thể chữa được nhiều bệnh, từ những bệnh lặt vặt như dị ứng, hóc xương, nấc.... và đến cả bệnh phong là bệnh mà nhiều người phải “bó tay” nhưng cụ cũng chữa được. Cách chữa bệnh của cụ độc đáo có khi chỉ là câu.. thần chú, có khi là cây thuốc lấy trên núi cao. Người dân nơi đây luôn coi cụ là bác sĩ của người nghèo.

Cứu người không lấy tiền                                

Năm nay cụ Hồng đã ngoài tám mươi tuổi, nhưng trông còn phong độ lắm. Nước da vẫn đỏ au. Cụ bảo, sau trận ốm thập tử nhất sinh vừa qua, trí nhớ và tài nghệ cũng như sức khoẻ của cụ có giảm đi đôi chút. Cụ được thừa hưởng tài nghệ từ ông cụ thân sinh của cụ rất nhiều. Lên tám tuổi, cụ đã nghe bố truyền lại cho những bài thuốc quý của những lá cây ngoài bìa rừng. Mãi đến những năm sau này, khi gia đình khó khăn quá, cụ mới về nhà giúp vợ con làm nương, làm rẫy. Từ đó cái biệt tài chữa bệnh của cụ mới đưa ra sử dụng.

Gia đình - Cách chữa bệnh kỳ lạ của kỳ nhân xứ Mường

Cụ Hồng không nhớ mình đã cứu bao nhiêu người nhưng có một điều chắc chắn, cụ không bào giờ lấy tiền

Cho đến nay, cụ cũng không nhớ mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người nữa. Cụ chỉ biết rằng, ai có bệnh đến nhờ chữa là cụ giúp. Mặc dù nhà cụ rất nghèo, nhưng chưa bao giờ cụ yêu cầu người bệnh phải trả tiền công. Đang tiếp khách, cụ giật mình sực nhớ còn mẹt thuốc phơi dưới sân chưa đưa vào. Cụ chạy vội xuống sân rồi đưa mẻ thuốc vào trong nhà. “Bài thuốc nam rất đơn giản, nhưng nó cũng rất cầu kỳ. Các công đoạn hái và phơi sấy phải tuân theo những quy luật rất nghiệm ngặt. Cụ dẫn chúng tôi ra vườn vừa giảng giải về tầm quan trọng của từng cây thuốc. Đây là cây hương nhu, cây xương xông… nói chung cây gì cũng có tác dụng của nó. Quan trọng ở người bốc thuốc hiểu được vị và pha trộn như thế nào cho hợp lý để nó thành thuốc. Cụ bảo, giờ có nói cho các anh tất cả các vị và ích lợi của từng loại cây, nhưng các anh không biết hái vào giờ nào thì cũng hỏng hết. Có những cây phải đi hái từ nửa đêm hoặc sáng sớm, chiều tối. Tổ tiên của lão truyền lại rằng đúng thời khắc đó vị thuốc ở cây đó mới có hiệu nghiệm".

Chữa bệnh không lấy tiền

Tuy đã ở cái tuổi bát thập, nhưng cụ rất hay chuyện. Đời cụ 2 lần lấy vợ. Vợ cả sinh hạ được mấy người con rồi mất. Một mình cụ phải gà trống nuôi con. Đang nhâm nhi chén rượu thì thằng cháu ngoại cụ bị hóc xương cá. Mặt mày nó tái xanh, tái mét. Cụ bình tĩnh cầm chén nước nguội rồi “mằn” (đọc thần chú) vào đó rồi đưa cho đứa cháu uống. Sau đó lão dùng ngón trỏ miết ba cái vào cổ đứa cháu. Chỉ chờ có thế thằng bé nhổ luôn được cái xương cá ra ngoài. Chưa kịp hỏi bí quyết nào mà cụ làm được như vậy thì đến lượt ông bạn tôi bị nấc. Cụ bảo nín thở rồi cụ quay ngược cái mâm cơm, tự nhiên bạn tôi hết nấc. Cụ bảo: Chữa mẹo chỉ cần đơn giản thế thôi.

Gia đình - Cách chữa bệnh kỳ lạ của kỳ nhân xứ Mường  (Hình 2).

Những vị thuốc ông cất công đem về chỉ mục đích chữa bệnh cho người

Hiện cụ còn giữ được rất nhiều bí quyết chữa bệnh bằng mẹo như chữa dị ứng, hay bị côn trùng đốt… Mỗi một loại bệnh lại có một bài “mằn” riêng. Năm nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ biết mình sắp phải về trời, do vậy mấy năm gần đây cụ đang truyền nghề lại cho cô con gái. Năm nay mới gần ba mươi tuổi, nên con gái cụ chưa thể chữa bệnh được. Dẫu ai học được những bài thuốc bí truyền này thì phải ngoài bốn mươi tuổi mới được hành nghề.

Cụ Hồng giải thích: Học được những bài “mằn” rất khó. Tất cả có khoảng 50 bài. Bài thuốc này rất kén người, chỉ những người ăn ở hiền lành, tốt tính và không có lòng tham mới học được. Người học tự ngẫm nghĩ và nghe truyền nhân giảng giải dần cho hiểu, cho thông mời được đưa ra dùng. Chữa bệnh cứu người trước hết cần phải có cái tâm và chỉ khi nào cái tâm của mình thật yên, mọi chuyện trong gia đình không còn vướng víu thì chữa mới hiệu quả.

Câu chuyện của chúng tôi với cụ Hồng bị ngắt quãng khi cậu Kiên – hàng xóm của cụ đi vào. Vừa gặp cụ, cậu Kiên hớn hở khoe: “Cụ ơi! Tay cháu đã đỡ ngứa rồi”. Cụ cầm ngón tay băng bó của Kiên lên xem và gật gù: “Đắp thuốc vài buổi nữa thì khỏi thôi mà”. Kiên làm nghề đi hái thuốc thuê ở mấy xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Mấy tháng trước Kiên mắc căn bệnh lạ, ngón tay trỏ trái bị ngứa và ăn dần vào xương, đã chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Hôm về nhà chơi, Kiên mới đến nhờ cụ Hồng xem giúp.

Cụ bảo: Kiên bị bệnh cùi, nếu không chữa sớm nó sẽ ăn mất ngón tay và lan sang cả ngón khác. Rồi cụ lại ra vườn hái thuốc đắp vào chỗ đau cho Kiên. Đắp thuốc mới được có một tuần mà ngón tay của Kiên đã đỡ ngứa hẳn và đang mọc lại da non.

Gia đình - Cách chữa bệnh kỳ lạ của kỳ nhân xứ Mường  (Hình 3).

Mặc dù tuổi già sức yếu nhưng cụ Hồng vẫn hằng ngày lên rừng tìm thuốc quý

Cách nhà Kiên không xa là nhà ông Xa Văn Thắng – bí thư chi bộ xóm Mè cũng coi cụ Hồng là ân nhân của gia đình. Cách đây 2 năm, cháu của ông Thắng tự nhiên bị ngứa ở bàn tay khổ lắm, đứng ngồi không yên. Nhiều lúc không chịu được, Thiệu đấm tay thùm thụp vào tường làm cho rách da, chảy máu. Căn bệnh này hành hạ Thiệu hơn một năm trời. Một hôm Thiệu lên nhà cụ Hồng chơi. Thấy Thiệu cứ gãi liên tục. Cụ xem tay Thiệu và bảo để lão chữa cho. Và chỉ sau thời gian ngắn bài thuốc nam của cụ phát huy tác dụng. Thiệu đã đỡ ngứa rồi khỏi hẳn. Giờ Thiệu đang là sinh viên của trường Cao đẳng Thuỷ sản miền Bắc.

Ngoài những ca trên cụ Hồng còn chữa khỏi bệnh được cho nhiều người khác. Như ông Tân ở xóm Tôm, xã Tu Lý bị bệnh phong ăn cùn cả đôi bàn chân và đôi bàn tay. Các con ông phải cáng ông đến nhà cụ Hồng. Chỉ vài bài thuốc nam cụ đã cứu được ông Tân thoát khỏi căn bệnh phong. Với những bài thuốc hiệu nghiệm này, cụ Hồng còn giúp nhiều người ở địa phương thoát khỏi căn bệnh phong quái ác.

Cụ Đinh Văn Hồng bảo: Làm thầy thuốc phải biết trị bệnh cứu người chứ chỉ cứ nghĩ đến danh lợi thì khó thành công lắm. Cụ Hồng đã in dấu khắp núi rừng Hoà Bình để hái lá thuốc cứu người. Ngày xưa rừng còn nhiều, nên cây thuốc rất sẵn. Giờ đây người ta chặt phá, đốt nương rẫy liên tục, nên những cây thuốc quý cứ mất dần đi. Thế nên cụ ngày càng phải đi xa hơn để tìm thuốc. Rừng là “kho thuốc” vô giá và cụ Đinh Văn Hồng cũng là một “ kho thuốc” vô giá của người Mường nơi đây. (còn nữa)

Việt Lâm - Tuấn Nghĩa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.