Mẹ là người hùng của cả gia đình
Dmitri Ivanovich Mendeleev chào đời năm 1834 tại thành phố Tobolsk của Serbia. Cha ông - Ivan Pavlovich Mendeleev và mẹ ông - Maria Dmitrievna Mendeleeva có tới 17 người con, ông là con trai út. Cha mẹ ông đều là những người có học thức và rất coi trọng việc nuôi dạy các con.
Khi Mendeleev ra đời, cha ông đang đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học Tobosk, đồng thời là một giáo viên dạy môn chính trị, triết học và nghệ thuật. Còn mẹ ông vốn là một tiểu thư sinh ra và lớn lên trong một gia tộc khá giả, trước khi lập gia đình bà có niềm đam mê lớn với việc đọc sách và tìm kiếm các kiến thức mới mẻ.
Bà Maria Dmitrievna Mendeleeva |
Đáng tiếc là xã hội thời đó không tạo điều kiện cho một phụ nữ như bà tiếp tục theo đuổi những đam mê cá nhân. Sau khi lấy chồng và lần lượt sinh hạ hết đứa con này đến đứa con khác, bà dồn toàn bộ tâm trí và sức lực cho việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy các con – một công việc quả thực không dễ dàng gì.
Mặc dù cha Mendeleev là người lao động chính nuôi sống cả gia đình đông đúc, nhưng chính mẹ ông mới có ảnh hưởng lớn lao và trực tiếp đến việc học hành của các con. Nhưng thật không may, khi Mendeleev mới được 2 tháng tuổi thì cha ông mắc bệnh về mắt, ông bị mù và phải nghỉ việc dạy học.
Cả gia đình cầm cự qua ngày bằng những khoản trợ cấp ít ỏi. Bà Maria cùng chồng đã vất vả bươn chải từng ngày một để kiếm tiền nuôi ăn, nuôi học cho 17 đứa con.
Khi các anh chị của Mendeleev lớn lên, gánh nặng gia đình trên vai mẹ ông càng trở nên nặng nề. Nguyên nhân chính là bởi mẹ ông cương quyết làm mọi cách để các con được học hành tử tế và tiếp nối những đam mê thời trẻ của mình. Bà không muốn đứa con nào phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống.
Cuối cùng, bà đã quyết định chuyển nhà đến một ngôi làng ở ngoại ô thành phố, nơi anh trai bà có một xưởng sản xuất thủy tinh nhỏ. Tại ngôi làng mang tên Aremdianka đó, bà đứng ra quản lý xưởng thủy tinh cho anh trai, và khéo léo sắp xếp để các con có thể vừa làm những công việc thích hợp trong xưởng, vừa theo đuổi được việc học tập.
Trong ký ức tuổi thơ của Mendeleev, mẹ ông giống như một vị anh hùng của cả gia đình. Bà bận rộn ngày đêm với những công việc của xưởng thủy tinh và việc gia đình, nhưng bà chưa bao giờ thiếu thời gian để đôn đốc và động viên từng đứa con trong việc học hành.
Tình yêu khoa học và niềm đam mê khám phá những điều mới mẻ của Mendeleev đã được mẹ ông nuôi dưỡng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt này.
Nhờ sự cố gắng phi thường của người mẹ, cuộc sống của gia đình dần dần trở lại bình an. Dù kinh tế vẫn chẳng lấy gì làm dư giả, nhưng cậu bé Mendeleev đã có một quãng thời gian thơ ấu khá êm đềm trong ngôi làng nhỏ, dưới sự chăm sóc của mẹ và các anh các chị.
Dmitri Mendeleev vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học cho tới tận cuối đời |
> Chuyện thai giáo thần đồng của mẹ Đỗ Nhật Nam
Song họa vô đơn chí, năm ông 13 tuổi, cha ông bị bệnh nặng và qua đời, vài tháng sau, một đứa con trong gia đình cũng mất. 1 năm sau đó, xưởng thủy tinh của bác và mẹ ông bị hỏa hoạn, rồi phá sản. Tai họa và đau buồn liên tiếp ập đến với gia đình, một lần nữa bà Maria lại đứng lên làm chỗ dựa cho cả nhà.
Bà đưa các con trở lại thành phố cũ, rồi lần lượt thu xếp cuộc sống riêng cho những đứa con lớn. Hơn 10 người anh và chị của Mendeleev rời khỏi mái nhà của mẹ để đi làm, lấy vợ lấy chồng, chỉ còn lại bà Maria và 3 đứa con nhỏ, trong đó có cậu con út Mendeleev – đứa con bà Maria đặt rất nhiều kỳ vọng, bởi bà đã sớm nhận ra nơi cậu tố chất của một nhà khoa học lớn.
Dắt con trai đi hơn 1500 cây số để ghi danh vào trường đại học
Năm 15 tuổi, Mendeleev tốt nghiệp phổ thông tại chính ngôi trường xưa kia cha ông từng dạy học và làm hiệu trưởng - Trường THPT Tobolsk. Mẹ động viên ông tiếp tục học đại học. Vào thời điểm bấy giờ, điều đó chẳng dễ dàng chút nào với Mendeleev, bởi lẽ các trường đại học lớn đều muốn tuyển các sinh viên xuất thân danh giá và gia đình giàu có.
Sau khi bị vài trường đại học từ chối bởi lý do trên, Mendeleev có nguyện vọng được học tại trường Đại học Sư phạm Saint Peterburg. Không may là trường này chỉ tuyển sinh 2 năm 1 lần, và năm ông xin vào học lại không phải năm trường tuyển sinh.
Mẹ Maria đã tận dụng đủ mọi mối quan hệ của mình để xin cho ông được đặc cách vào trường, và bà đã dắt ông đi một chặng đường dài hơn 1500 cây số để tới Saint Peterburg ghi danh. 2 mẹ con đã phải đi bộ trên hầu hết chặng đường, chỉ có một vài lần họ may mắn đi nhờ được xe ngựa.
Đáng tiếc, bà Maria Dmitrievna Mendeleeva không thể tiếp tục đồng hành cùng con trai trên chặng đường gian khổ và vinh quang tiếp theo. Đúng 10 ngày sau khi Mendeleev nhập học, bà đã qua đời. Mendeleev và các anh chị của ông đều biết rằng, mẹ ra đi bởi bà đã quá lao tâm lao lực cho cả gia đình trong một thời gian dài.
Trước khi qua đời, bà viết trong một bức thư gửi “Michia” (tên trong gia đình của Mendeleev) rằng bà vô cùng thanh thản, bởi bà đã biết ông sẽ tiếp tục thực hiện mơ ước của mình, và sẽ trở thành một người có ích. Những lời cuối cùng bà dặn dò được Mendeleev ghi nhớ mãi mãi: “Cần phải lao động thực sự và đừng nói suông. Con hãy kiên trì tìm kiếm chân lý khoa học!”
Dù không còn mẹ ở bên cạnh nữa, nhưng hình ảnh và lời dặn dò của bà có tác động rất lớn đến việc học hành của Mendeleev. Trong hoàn cảnh sống nghèo khổ, môi trường học tập nhiều áp lực, và sức khỏe không tốt, ông vẫn cố gắng hết sức để theo đuổi đến cùng việc học hành và nghiên cứu.
Tinh thần này của ông cuối cùng cũng đã khiến nhiều giáo sư trong trường phải nể phục, và họ bắt đầu dành cho ông nhiều sự chú ý và giúp đỡ quý giá. Con đường khoa học của ông ngày càng rộng mở sau khi ông tốt nghiệp loại xuất sắc và giành huy chương vàng.
Gần 10 năm sau khi ra trường, ông đã trở thành Giáo sư Hoá học tại Viện công nghệ và Trường Đại học Quốc gia Saint Peterburg. Vài năm sau đó, với những công việc nghiên cứu được ông xúc tiến ở trong nước cũng như nước ngoài, ông đã biến Saint Peterburg thành một trung tâm nổi danh toàn thế giới về ngành hóa học.
Thành công được biết đến rộng rãi nhất của ông trong khoa học chính là bảng tuần hoàn nổi tiếng ngày nay được gọi là bảng tuần hoàn Mendeleev. Đó là vào năm ông 35 tuổi, khi ông sắp xếp 63 nguyên tố hóa học được biết đến lúc đó thành bảng tuần hoàn đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, thành tựu của ông thực ra vĩ đại hơn rất nhiều một bảng tuần hoàn hóa học, và trải rộng trên nhiều ngành khoa học khác nhau, từ vật lý đến động lực học, khí tượng, địa chất cho đến đo lường và hóa dầu.
Không chỉ chịu ảnh hưởng của mẹ trong công việc nghiên cứu khoa học, Mendeleev còn tỏ ra là đứa con “trung thành” của bà Maria trong cuộc sống thường ngày. Thừa hưởng từ mẹ tình yêu trong sáng với khoa học và niềm đam mê khám phá cái mới, ông luôn đặt những điều này cao hơn mọi chức vụ và danh vị mà người đời thường thèm khát.
Đã từng trải qua một chặng đường gian khổ để được công nhận tại Đại học Saint Peterburg, nhưng ông cũng đã từng từ bỏ vị trí danh giá đó một cách không do dự để theo đuổi một công việc nghiên cứu khác mà bản thân mình yêu thích.
Trong cuộc sống riêng, ông cũng tỏ ra vô cùng thẳng thắn và quyết liệt. 11 năm sau khi kết hôn với người vợ đầu tiên, bà Feozva Nikitichna Leshcheva, ông đã phải lòng một phụ nữ khác, bà Anna Ivanova Popova, và quyết định li hôn để cưới bà.
Mặc dù quy định lúc đó chỉ cho phép người ta tái hôn một cách hợp pháp 7 năm sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất kết thúc, song ông đã li hôn và kết hôn gần như cùng một lúc.
Cuộc hôn nhân thứ hai này của ông trở thành đề tài thu hút nhiều sự chỉ trích và tranh cãi gay gắt, khiến cho ông không thể trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bất chấp danh tiếng lẫy lừng của ông trên trường quốc tế.
Cho đến tận khi qua đời ở tuổi 72, Mendeleev vẫn tin tưởng và sống đúng như những gì mẹ ông từng kỳ vọng ở mình, một cách trung thực và đầy niềm đam mê khám phá.
> Trước khi là thần đồng, con đã biết yêu thương
Vương Thanh