Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cho thấy sự nhiệt tình của Chính phủ Nhật Bản trong mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang phát triển nhanh như là một phần nỗ lực hồi sinh nền kinh tế thứ 3 thế giới này.
Không chỉ dừng lại ở mục đích phục hồi nền kinh tế, trong bài viết của mình về chuyến công du của ông Abe, tờ Japan Times cho rằng, tăng cường hợp tác với ASEAN cũng là một chiến lược quan trọng đối với Nhật Bản để kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc – quốc gia ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong các vấn đề chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tại thời điểm khi mà mối quan hệ của 2 cường quốc này ngày càng trở nên mong manh.
Với Nhật Bản, ASEAN là đối tác chiến lược về cả kinh tế và an ninh |
Tuy nhiên, Japan Times cũng cho rằng không phải nước ASEAN nào cũng có liên quan. Việc này đòi hỏi chính phủ của ông Abe phải có những bước thận trọng trong cách tiếp cận của mình với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là một số thành viên đã duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc hơn so với các quốc gia khác.
Quyết liệt nhất thì cho thuyền chiến
Từ đó, qua các phát biểu của ông Abe trước mỗi nước ông đã ghé qua, phần nào nhận thấy được sự đánh giá về từng quốc gia ASEAN và đối sách của Nhật trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc.
Trước hết phải kể đến Philippines, đất nước nhỏ bé nhưng đang có thái độ đối đầu quyết liệt nhất với Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ. Thủ tướng Nhật Bản cho biết chuyến công du Philippines của ông nhằm tăng cường quan hệ với Manila trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị cho đến kinh tế, an ninh.
Nhật Bản cũng đã xác nhận khoản vay ưu đãi hỗ trợ quốc gia này mua 10 tàu tuần duyên hiện đại để phục vụ cho hoạt động bảo vệ lãnh thổ. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản luôn coi Philippines là một đồng mình chiến lược, được Thủ tướng Nhật đặt vào trong mối quan hệ đồng minh tay ba với Nhật và Mỹ.
Đáp lại, phía Philippines cũng hồ hởi đón nhận tình cảm đặc biệt của Nhật và cho rằng với sự ủng hộ của những đồng minh này, Philippines nhỏ bé có thể tự tin đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật vẫn yêu cầu Trung Quốc xúc tiến đối thoại song phương về vấn đề lãnh thổ.
Tuy nhiên, chỉ có Philippines là trường hợp ngoại lệ khi sẵn sàng đứng về phía Nhật trong căng thẳng với Trung Quốc. Nhiều quốc gia Đông Nam Á tỏ ra e ngại, cho rằng không cần thiết tham gia vào sự cạnh tranh địa chiến lược ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trước cuộc hội đàm ở Manila hôm 27/7 |
Singapore khôn ngoan địa chính trị, Nhật thắt tình bang giao bằng kinh tế
Trong chuyến thăm Singapore vừa qua của ông Abe, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế mang tính nhảy vọt.
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tại Singapore cho biết hợp tác với Nhật Bản là cơ hội tốt cho nền kinh tế mỗi quốc gia, tuy nhiên, sẽ không có lợi cho ASEAN nếu trở thành một phần của một nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, thêm vào đó liệu ASEAN sẽ đạt được gì từ việc đối đầu với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Từ trước đến nay, Singapore luôn là quốc gia giữ chính sách khá trung lập trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại có vị thế địa-chính trị rất quan trọng.
Đối với Singapore, Thủ tướng Nhật đã không thương thảo một mình, ông Abe đã “không hẹn mà gặp” với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Rất có thể cuộc hội đàm của Nhật sẽ dễ dàng hơn khi có sự tham gia của Mỹ, đối tác chiến lược lâu đời với “đảo quốc sư tử”.
Sự gặp gỡ này dù vô tình hay hữu ý cũng đã tạo được một sự thuận lợi nhất định cho Nhật Bản trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của quốc gia trung lập này với chính sách kiềm chế Trung Quốc.
Lưỡng thể
Lưỡng thể
Đối với Malaysia, Thủ tướng Nhật mang tới rất nhiều cơ hội thương mại, kinh tế: xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Nhật Bản sang Malaysia, thúc đẩy phát triển thương mại song phương, hứa hẹn về nguồn vốn đầu tư của Nhật...
Ông Abe cũng trao đổi với Thủ tướng Malaysia Najib Razak về vấn đề Biển Đông và giải pháp tốt nhất là các nước ASEAN bắt tay hợp tác Nhật Bản. Được biết, Malaysia sẽ là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015.
Hồi đầu năm 2013, Thủ tướng Nhật cũng đã tới thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia và Myanmar. Tháng 10 tới, ông Abe sẽ tới thăm Brunei. Có thể nói, Nhật Bản đang xuất hiện ngày càng thân thiện và tích cực hơn, với những hứa hẹn về kinh tế, an ninh và ổn định khu vực.
Tuy nhiên, về vấn đề tranh chấp biển đảo, không phải quốc gia nào của Đông Nam Á cũng cùng tiếng nói với Nhật. Và để đạt được sự thân thiết, đồng thuận, việc đảo quốc mặt trời cần làm đầu tiên là nhanh chóng lấy lại vị thế kinh tế của mình và củng cố lợi ích kinh tế cho những đối tác chiến lược. Bởi lẽ dù sao, Trung Quốc hiện vẫn đang là đối tác kinh tế quan trọng nhất của ASEAN.
Theo
Báo Đất Việt