Việc lập làng, dựng nhà, mở rẫy, chọn nơi an lành có địa thế, phương hướng thuận lợi là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người S'Tiêng. Những tín hiệu tốt hay xấu cho việc dựng nhà được người S'Tiêng phỏng đoán bằng kinh nghiệm qua điềm báo mộng và tiếng kêu của con chim chìa vôi. Tuy nhiên, việc cứ vin vào các thủ tục trong suốt một thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến nhận thức cũng như sinh hoạt của người S'Tiêng.
Nằm mơ điềm xấu gác lại việc dựng nhà
Dọc theo quốc lộ 14, vượt qua những lô cao su xanh mướt, chúng tôi đã được nơi sinh sống của hàng trăm hộ người S'Tiêng ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (Bình Phước). Bản làng của người S'Tiêng đã đổi thay nhiều nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà tranh vách nứa, những cô gái, chàng trai tóc xoăn, mắt nâu to tròn mang trên vai những gùi củi, gùi rau nặng trĩu đang thong dong trên con đường dất đỏ dẫn vào làng.
Người S'Tiêng chỉ nói tiếng mẹ đẻ, thấy người lạ đi vào họ vẫn có thể nói tiếng kinh nhưng không sõi, đôi khi pha thêm tiếng S'Tiêng. Tại đây, chúng tôi được khám phá những phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc sắc thông qua lời kể của những người uy tín nhất của cộng đồng S'Tiêng. Tuy nhiên, trong tưởng tượng chúng tôi vẫn chưa thể hình dung rõ về những luật tục được người S'Tiêng gìn giữ và bảo tồn, nhất là phong tục dựng nhà của đồng bào đã dấy lên trong chúng tôi sự tò mò và muốn khám phá ngay.
Nhà sàn của người S'Tiêng
Bên hiên ngôi nhà xây khang trang giữa làng, già làng Điểu Lê (58 tuổi) từ tốn chia sẻ từng nét văn hóa của dân tộc mình: "Tập tục dựng nhà có từ thuở tổ tiên người S'Tiêng băng rừng vượt suối, chu du khắp nơi đi tìm nơi định cư, lập làng, lập xóm. Theo truyền thống, quá trình chọn đất dựng nhà của người S'Tiêng rất gian nan, vất vả, kéo dài từ tháng này sang tháng khác, thậm chí năm này sang năm khác mới tìm được vùng đất ưng ý. Cuộc sống của người S'Tiêng chủ yếu dựa vào rừng núi, nên nơi họ dự định dựng nhà phải có nguồn nước dồi dào, rộng rãi để phục vụ cho quá trình sinh hoạt và sản xuất, đủ để tất cả các gia đình cùng dựng nhà sàn, có vị trí thích hợp để làm nơi chôn cất chung và đặc biệt phải có rừng để cả ấp có thể săn bắn, khai phá làm nương rẫy.
Người S'Tiêng quan niệm, khi ấp đã được lập thì phải gắn bó lâu dài, ổn định. Điều làm chúng tôi thấy rõ nhất là tại ấp 2, cộng đồng S'Tiêng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ thời chống Pháp đến đánh Mỹ nhưng bà con vẫn bám trụ bản làng để sinh tồn. Già làng Điểu Lê cho hay: "Làng người S'Tiêng này hình thành lâu lắm rồi, từ khi tôi sinh ra đã có. Kể từ người dân đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này họ đã quyết định dựng nhà, lập bản ở đây, vì trong làng có người được báo mộng mảnh đất này có địa thế tốt.
Trước khi người S'Tiêng chọn một mảnh đất để xây nhà mới, họ dựa vào sự báo mộng và tiếng chim kêu. Nếu trong hai ba đêm liền cứ nằm mơ thấy điềm xấu, người S'Tiêng sẽ dừng ngay việc dựng nhà lại đến khi nào nằm mơ thấy điềm tốt họ mới dự định làm nhà tiếp. Còn khi lên rừng gặp con chim chìa vôi kêu liên tục, người S'Tiêng sẽ không chặt cây về làm cột nhà nữa. Vì người S'Tiêng quan niệm, nằm mơ thấy điềm xấu và nghe chim chìa vôi kêu là sẽ có điều chẳng lành, mọi người trong gia đình sẽ gặp xui xẻo. Để hóa giải sự xui rủi, những điều không may mắn, người S'Tiêng sẽ tổ chức cúng viếng, ba người có uy tín nhất trong làng sẽ đến để khấn vái các vị thần linh (người S'Tiêng theo tín ngưỡng đa thần) đúng vào thời khắc mặt trời lên mới cầu nguyện để xua đuổi tất cả mọi xui rủi”.
Cách chọn lựa cột để làm nhà của người S'Tiêng rất đặc biệt. Mỗi một bụi cây người S'Tiêng chỉ được phép chặt một cây duy nhất. Để làm được một cái nhà, người S'Tiêng phải băng qua rất nhiều cánh rừng già trong nhiều ngày liền may ra mới chọn được bộ cột làm nhà. Nói về điều này, già làng Năm Nhật (102 tuổi), giải thích: "Mỗi một bụi cây sẽ có một cây to và thẳng nhất, người S'Tiêng sẽ chọn cây đó về làm cột nhà. Khi cây đó được chọn người S'Tiêng sẽ khắc kí hiệu lên đó hoặc là buộc một mảnh vải trắng vào thân cây để làm dấu. Khi người khác đi qua nhìn thấy thân cây có tấm vải trắng sẽ tự bỏ đi bụi cây khác để tìm cột. Nếu ai cố tình chặt cây đó khi bị phát hiện sẽ bị phạt và bị quy vào tội ăn cắp. Quy định trên thể hiện tinh thần đoàn kết và biết sẻ chia của cộng đồng người S'Tiêng”.
Thủ tục làm nhà rườm rà
Theo phong tục có từ lâu đời của người S'Tiêng, khi đã chọn được khu đất ưng ý, biết mảnh đất đó chưa có ai nhận, chủ gia đình sẽ lấy một quả trứng gà đã chuẩn bị sẵn vái bốn phương, tám hướng cầu khấn xin thần rừng, thần đất, tổ tiên phù hộ cho mình được thử đất. Khấn xong, chủ gia đình bóp quả trứng trên tay, nếu trứng vỡ tung tức là đất ấy tốt, hợp với tuổi và được sự đồng ý của các đấng bề trên cho gia chủ dựng nhà. Ngược lại trứng không vỡ người chủ gia đình phải đi tìm mảnh đất khác.
Già làng Điểu Lê nói về cách dựng nhà của dân tộc S'Tiêng
Bên cạnh đó, đất đã chọn xong, được bà con trong làng từ già cho đến trẻ đồng ý, ủng hộ, gia đình mới được bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu, xem thời gian thích hợp để làm nhà từ khâu bước vào rừng đi tìm gỗ, chặt nứa, lồ ô, cắt cỏ tranh đến chọn ngày lành tháng tốt để đào móng rồi mới dựng nhà. Tuy nhiên, không phải người S'Tiêng dựng nhà vào bất cứ thời điểm nào cũng được mà phải tuân theo tục lệ truyền thống của cộng đồng. Già làng Năm Nhất bày tỏ: "Người S'Tiêng kiêng nhất là làm nhà vào tháng 3 âm lịch. Vì vậy, trong tháng đó cả làng không ai được đề cập đến vấn đề dựng nhà".
Cũng theo già Năm Nhất: "Khi dựng nhà mới người S'Tiêng sẽ cúng sống một con gà trống thiến rồi cắt tiết đổ xuống chân cột, nhất là chân cột chính để khấn thần linh cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với gia chủ. Ngôi nhà được dựng xong, gia đình phải thịt lợn, mổ gà, nấu xôi cùng hàng chục chum rượu cần để cúng vái các thần linh, tổ tiên và mời tất cả bà con trong ấp với ý nghĩa gia đình đã làm được nhà, mọi người cùng tới chúc mừng. Tại lễ mừng nhà mới, những người già tham gia lễ cúng phải nhắc gia chủ lấy máu của các con vật hiến sinh để họ tự bôi lên miệng chén rượu cần, các cột nhà, cả mái nhà với mục đích là chia phần cho mọi thứ đều được ăn để khi gia đình dọn đến nhà mới mới ở sẽ được các thần linh phù hộ và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc".
Giờ đây, vào bản làng của người S'Tiêng người ta không còn thấy những gian nhà sàn ọp ẹp, mái nhà tranh sát đất nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố. Điều đó minh chứng rằng người S'Tiêng không còn duy trì những tập tục lạc hậu. Bà Điểu Miếu (69 tuổi) vui vẻ bày tỏ: "Khi các con tôi xây nhà, tôi đâu dám vào sợ mưa gió cát sỏi đổ sập xuống đè người. Con cái tôi khuyên, nài nỉ thế nào tôi cũng không vào nhà xây. Thế là, các con đành để lại mái nhà tranh cho tôi ở một thời gian. Sau này thấy con cái tôi ở bình thường, mưa gió to thế nào cũng không sập tôi mới dám lên nhà xây ngủ đấy".
Phải nói rằng, trong suốt một thời gian dài, các thủ tục cần thiết trong việc làm nhà của người S'Tiêng đã làm tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền của của bà con. Già làng Năm Nhật nhớ lại một thời ấu trĩ của dân tộc mình: "Ngày đó, người S'Tiêng theo tín ngưỡng đa thần. Hễ trong nhà có việc gì họ cũng khấn, cúng vái thần linh. Nhất là việc dựng nhà bà con tiêu tốn nhiều tiền của lắm. Cho nên, cuộc sống của bà cứ nghèo mãi. Nhiều lần, người dân từ địa phương khác có dịp đi vào trong làng thấy người S'Tiêng lấy tiết gà bôi quệt vào nhà mới là họ hãi lắm, họ bảo người S'Tiêng mất vệ sinh. Sau này, người S'Tiêng được ra ngoài học hành nhiều, học được nhiều nét văn minh nên các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ".
Trừ bệnh tật bằng tiết gà Già làng Điểu Lê tâm sự: "Theo quan niệm của người S'Tiêng, màu đỏ của tiết gà sẽ xua đuổi được tà ma, mọi bệnh tật. Do đó, khi trong nhà có người bị ốm đau, người S'Tiêng không đi mua thuốc hay đưa người bệnh đến cơ sở y tế mà lấy hai mảnh vải trắng tẩm tiết gà cột vào hai cổ tay với niềm tin sẽ trừ mọi bạo bệnh. Do vậy, trong nhiều năm liền, nhiều người S'Tiêng đã bị bệnh tật hành hạ đến chết vì các hủ tục”. |
Quyên Triệu-Công Thư