Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, các gia đình đi tảo mộ, mời Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tiếp đó là lễ cúng Tất niên tại bàn thờ gia tiên chiều 30 Tết, cúng đêm Giao thừa (sáng mùng 1 Tết của năm mới) và kết thúc bằng lễ hóa vàng để tạm biệt tổ tiên sau những ngày Tết đầm ấm.
Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt luôn có tục đốt vàng mã vào những ngày lễ quan trọng trong năm như: Rằm, mùng một, Tết Nguyên đán, Rằm tháng bảy, Rằm tháng giêng... Với quan niệm "trần sao âm vậy" người Việt luôn sắm sửa nhiều lễ lạt từ ti vi, mũ giấy cho đến nhà lầu, xe hơi...
Mặc dù đốt nhiều như vậy, thế nhưng không phải ai cũng đốt vàng mã đúng cách. Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng cho hay: "Đốt vàng mã và thờ cúng tổ tiên phải biết cách bằng không sẽ chỉ làm hại đến những người quá cố".
Theo quan niệm của người Việt cổ, ngày lễ tiễn ông bà tổ tiên là vô cùng quan trọng. Ngày Tết, gia thần và tổ tiên ngự trên ban thờ vì thế đèn hương không bao giờ tắt, các đồ lễ như bánh kẹo, hoa quả cũng đều phải chờ đến ngày này mới hạ xuống. Nếu chưa làm lễ hóa vàng mà hạ lễ thì ắt phạm phải điều bất kính.
Cách đốt vàng mã như thế nào cho đúng vô cùng quan trọng. Trước tiên, gia chủ cần hóa tiền vàng của gia thần trước tổ tiên để tránh bị nhầm lẫn. Trong văn hóa người Việt xưa, người ta còn đặt đôi ba cây mía ở hai bên ban thờ với ngụ ý làm đòn gánh tiễn các cụ về trời.
Ngày hóa vàng, gia chủ cần chuẩn bị mâm cỗ cúng đủ đầy rượu thịt như cỗ cúng trong ba ngày tết. Trên mâm phải có: Gà luộc, đầy đủ các món rượu, thịt bày biện cẩn thận, tiền, vàng mã cũng cần chuẩn bị chu đáo để đủ hành trang, lộ phí cho bậc gia tiên lên đường.
Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn, việc đốt vàng mã ngày Tết không cần đốt quá nhiều mà cần đốt chất lượng, khi đốt phải thành tâm nghĩ đến tổ tiên, người đã khuất thì người đó sẽ nhận được.
“Không cần mua quá nhiều vàng mã, đốt quá nhiều mới là thành tâm mà chỉ cần đốt ít nhưng chân thành là được”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm.
Tục hóa vàng ở mỗi vùng là khác nhau, nhiều nơi quan niệm càng dâng nhiều càng được phù hộ bấy nhiêu. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm gây lãng phí.
Phong Linh (tổng hợp)