Vào tới bán kết giải U19 châu Á 2016, đồng thời giành suất đi Hàn Quốc dự U20 World Cup vào năm sau là một thành công ngoài mong đợi của U19 Việt Nam.
Tiếp đà hưng phấn, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chắc chắn chưa muốn dừng lại. Nhưng ai cũng biết, U19 Nhật Bản thực sự là một chướng ngại quá lớn. So về nhiều khía cạnh, chúng ta đều thua thiệt. Vậy thì muốn thắng, buộc phải có chiến thuật hợp lý.
Xét trên góc độ thành tích hiện tại, chẳng đội bóng nào đủ nặng để đặt lên bàn cân với Nhật Bản. Họ bất bại từ đầu giải, thắng 3, hòa 1, ghi tới 10 bàn và không để lọt lưới bàn nào. Thầy trò HLV Atsushi Uchiyama phô trương thanh thế đến mức vùi dập ĐKVĐ Qatar 3-0 chóng vánh.
Trong trận tứ kết, Nhật Bản phủ đầu Tajikistan bằng 2 bàn chỉ sau 19 phút và rồi thong dong trong suốt thời gian còn lại mà vẫn thắng chung cuộc 4-0.
U19 Việt Nam cũng không tệ, cũng chưa thua trận nào. Có điều, chúng ta mới ghi 4 bàn và để thủng lưới 2 lần. So về số liệu, đối thủ tới từ Đông Á rõ là vượt trội.
Ở góc độ thứ 2 – lối chơi, các cầu thủ trẻ của Nhật Bản thi đấu rất ấn tượng. Họ đá kỹ thuật, tốc độ, sở hữu những miếng đánh đa dạng và sẵn sàng chuyển đổi sơ đồ chiến thuật.
U19 Nhật Bản thường pressing đến nghẹt thở, khiến U19 Việt Nam không thể chơi phối hợp ngắn. Những đường phất bóng dài cũng kém hiệu quả, bởi hậu vệ đội bóng xứ Mặt trời mọc vừa nhanh vừa cao to, vừa không dễ vượt qua.
Đẳng cấp của người Nhật là rất khó phủ nhận. Bahrain đá với Việt Nam bế tắc vì họ không dai sức, không khéo léo, không di chuyển linh hoạt. Nhưng Nhật thì một hậu vệ biên cũng có khả năng lấn vào trong chẳng khác gì mũi tấn công. Họ có đủ bài, phối hợp nhỏ hay, chuyền dài cũng tốt, khi cần thì sút xa.
Trước Bahrain, Việt Nam có “đất” ở khu trung tuyến và vẫn cầm được bóng. Nhưng gặp Nhật, điều đó là gần như không thể. Chúng ta trông chờ vào các đường phản công cũng khó bởi lực lượng tuyến trên của U19 Việt Nam thường rất mỏng.
Nói cách khác, đôi công không xong, còn phòng thủ lại chứa đựng nhiều may rủi.
Về mặt nhân sự, trong khi U19 Việt Nam mất tiền đạo chủ lực Đức Chinh thì những mũi nhọn của Nhật Bản đang hừng hực khí thế.
Đội trưởng Daisuke Sakai, cặp tiền đạo Koki Ogawa - Iwasaki Yuto, hai tiền vệ Ritsu Doan và Mizuki Ichimaru là những cái tên sẵn sàng bùng nổ. Họ đã cùng nhau ghi 7/10 bàn của đội nhà từ đầu giải.
Tính toán đủ đường, U19 Việt Nam đều ở thế “cửa” dưới. Lợi thế của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ có 1: được nghỉ hơn đối thủ 1 ngày. Thực tế, thể lực cũng là điểm mạnh của chúng ta ở giải đấu lần này. Cho nên, cần phải tận dụng.
Tận dụng ở đây nghĩa là phải bung sức, giữ cho được mành lưới. Không thua, U19 Việt Nam sẽ có cơ hội làm nên địa chấn khi đá 11m.
Đội bị đánh giá yếu hơn, lại cầm hòa đối phương suốt 120 phút chắc chắn sẽ ít bị áp lực và hưởng lợi về mặt tinh thần. Nhật Bản, ngược lại sẽ nôn nóng và mất bình tĩnh. Yếu tố may rủi cũng chiếm phần nhiều trong những cuộc đấu trí kiểu này.
Tóm lại, muốn tranh ngôi vô địch, U19 Việt Nam chỉ có 1 cách duy nhất: thắng trên chấm phạt đền.
Xem lại U19 Bahrain 0-1 U19 Việt Nam:
Trần Anh