Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau. Tuy nhiên đều là thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn.
Cách sắp mâm cỗ chay ngày rằm tháng Giêng
Bên cạnh những gia đình theo đạo Phật, nhiều gia đình cũng quan niệm rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet.
Lễ vật dâng cúng chay thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Ngày nay, trên mâm cúng chay ngày rằm tháng Giêng của nhiều người dân còn có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Cách sắp mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng
Với những gia đình không theo đạo Phật, mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn cúng vào giờ Ngọ. Mâm cỗ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet.</