Khi độ ẩm không khí lên tới hơn 90% sẽ xảy ra hiện tượng nồm, hay còn gọi là trời nồm hoặc nồm trời.
Theo các chuyên gia, trời nồm là hiện tượng đặc trưng của miền Bắc, diễn ra vào mùa Xuân hàng năm (phổ biến rải rác từ tháng 2 - 4), các đợt nồm ẩm kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Do đó, có thể thấy người dân các tỉnh miền Bắc đang phải trải qua những ngày thời tiết khó chịu nhất trong năm. Dự báo, đợt nồm ẩm này sẽ giảm dần vào giữa tuần này, và tới đầu tháng Ba, thời tiết sẽ khô ráo, có nắng.
Tuy nhiên, trước khi chính thức rũ bỏ những mệt mỏi do trời nồm gây ra, chúng ta cần lưu ý một số ảnh hưởng xấu của hiện tượng thời tiết này tới sức khoẻ. Bởi nồm ẩm dễ gây chứng đau đầu, mệt mỏi uể oải, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ, nhất là các chứng bệnh như thấp khớp, thấp tim, hen… Bên cạnh đó, độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp khi trời nồm là điều kiện lý tưởng để các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Đối với những gia đình có trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong thời tiết nồm ẩm, vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo, báo Gia đình & Xã hội thông tin. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.
Đặc biệt, cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Theo các bác sĩ, đã có nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện, sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách ẩm mốc khiến trẻ hít phải bụi, bào tử mốc từ sách và lên cơn hen.
Ngoài ra theo tờ Trí Thức Trẻ, bạn cần đặc biệt lưu ý tới những đồ vật sau để tránh rước cả ổ vi khuẩn vào người mỗi khi trời nồm:
Bàn chải đánh răng
Dễ thấy, đây là dụng cụ luôn ướt sau mỗi lần dùng. Độ ẩm cao khi trời nồm có thể khiến vi khuẩn sinh sôi và tích tụ trên bàn chải. Những vi khuẩn này sẽ được tạo điều kiện xâm nhập vào cơ thể, gây hại cho sức khoẻ khi bạn đánh răng
*Cách khắc phục: Rửa sạch bàn chải sau mỗi lần sử dụng rồi dùng khăn thấm khô bàn chải và để chúng ở những nơi cao ráo.
Các loại khăn
Khăn mặt, khăn tắm là vật dụng được dùng hàng ngày. Do khăn sau khi dùng bị ướt sẽ rất lâu khô trong thời tiết ẩm. Để chúng trong môi trường kín và bí như nhà tắm sẽ khiến vi khuẩn cũng như nấm mốc dễ sinh sôi, gây hại.
*Cách khắc phục: Hãy giặt khăn bằng nước nóng trước và sau mỗi khi sử dụng. Cách làm cơ bản này sẽ giúp hạn chế tối đa vi khuẩn sinh sôi.
Dụng cụ nhà bếp bằng gỗ
Đũa, thớt… - những đồ dùng nhà bếp thường được làm bằng gỗ rất dễ bị mốc khi nồm ẩm kéo dài. Tương tự như bàn chải đánh răng, việc sử dụng đũa, thớt… khi ăn uống sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
*Cách khắc phục: Rửa sạch đũa, thớt... bằng nước nóng sau mỗi lần dùng; sau đó hãy dùng khăn lau khô. Nếu có thể, nên hạn chế sử dụng một số đồ dùng bằng gỗ để tránh nấm mốc gây hại.
Đồ dùng phòng ngủ
Độ ẩm cao cũng khiến chăn, chiếu… dễ bị mốc hơn bình thường. Việc cố chấp sử dụng chúng trong trường hợp này sẽ chỉ khiến cơ thể phải khóc thét. Việc bạn cần làm là nhanh chóng thay mới chúng và làm sạch khi thấy những dấu hiệu nấm mốc.
*Cách khắc phục: Bạn có thể hạn chế tình trạng bên bằng cách bật điều hoà hoặc quạt trong phòng khi không có người.
N.H (tổng hợp)